TP HCM: Đẩy mạnh phát triển du lịch trang trại ven sông

TP HCM có nhiều lợi thế về việc phát triển du lịch trang trại, du lịch sinh thái nhờ có hệ sống sông và kênh rạch thuận lợi.
tp hcm day manh phat trien du lich trang trai ven song
Bến thuyền Hải Thanh chính thức đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch. Ảnh : Đại Việt

Đại diện Sở Du lịch TP HCM cho biết đang phối hợp với các Sở, ban nghành liên quan đẩy mạnh phát triển du lịch trang trại ở các vùng ngoại ô.

Cụ thể, vừa qua Sở đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan khai trương bến thuyền du lịch Hải Thanh nằm ven sông Sài Gòn (xã Trung An, huyện Củ Chi). Đây là bến thủy du lịch nội địa được xây dựng nhằm đưa khách du lịch trong và ngoài nước tiếp cận với mô hình du lịch sinh thái tại huyện Củ Chi. Khi đến các trang trại, du khách sẽ được tham quan trang trại sản xuất của người dân. Tham gia các hoạt động như: bơi thuyền trên sông, lội nước bắt cá, câu cá…

Chị Vũ Thị Hà (ngụ Q.Tân Bình) cho biết, cuối tuần gia đình chị cũng thường xuyên đi nghỉ ngơi ở Vũng Tàu, Phan Thiết hay các khu du lịch trong nội thành Thành phố. Nay có thêm mô hình du lịch sinh thái nằm ven sông như Củ Chi thì gia đình lại có thêm sự lựa chọn. Nếu đi thuyền từ trung tâm Thành phố dọc theo sông Sài Gòn lên Củ Chi thì rất thú vị.

Anh Ngô Văn Tuấn (ngụ Q.1) cho biết, việc đến trang trại để hái trái cây, hái rau sạch, câu cá hay thưởng thức các món ăn do người nông dân tự sản xuất là rất tuyệt . Nguồn thực phẩm không an toàn ngày càng gia tăng nên bạn bè anh Tuấn cũng thường đi theo nhóm nhỏ về các vùng ngoại thành để thư giãn, nghỉ ngơi.

tp hcm day manh phat trien du lich trang trai ven song
Khách du lịch có thể trải nghiệm thú vui câu cá tại các trang trại. Ảnh : Đại Việt

Ông Lê Hữu Dũng – Tổng giám đốc Hải Thanh Koi Farm cho biết, trang trại Hải Thanh đã chính thức hoàn thiện các hạng mục cơ bản để phục vụ du khách. Mỗi du khách đến tham quan tại trang trại chỉ mất 50.000 đồng tiền vé vào cổng. Du khách sẽ được tự do tham quan, hái trái cây, rau sạch trong trang trại. Nếu du khách có nhu cầu ăn uống thì nhà hàng sẽ phục vụ các món ăn do trang trại tự sản xuất, chế biến.

Cũng theo ông Dũng, trang trại của ông cũng sản xuất nhiều mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao nên những người đam mê cũng có thể đến đây để trao đổi kinh nghiệm.

Theo đại diện Sở Du lịch TP HCM, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố nên Sở luôn khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân làm kinh tế trang trại, cổ vũ việc nuôi, trồng thực phẩm sạch kết hợp với việc phát triển du lịch. Đặc biệt là địa phương có nhiều lợi thế như Củ Chi. Bến thuyền Hải Thanh đi vào hoạt động sẽ phục vụ hàng chục ngàn lượt khách tham quan mỗi năm.

tp hcm day manh phat trien du lich trang trai ven song
Mô hình du lịch trang trại đang được khuyến khích phát triển và được lãnh đạo TP HCM đặc biệt quan tâm. Ảnh : Đại Việt

TP HCM có khoảng 1.000 km đường sông, kênh, rạch có chức năng đường thủy nội địa và hàng hải. Từ trung tâm thành phố có thể kết nối với tất cả 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc và liên kết trực tiếp với tất cả các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực. Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trong những năm qua, lượng khách tham gia trong hoạt động du lịch đường thủy đều tăng, nhất là tuyến có cự ly trung bình như Bến Bạch Đằng - Củ Chi…

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành du lịch này vẫn chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng hiện có bởi hệ thống bến đậu, cầu tàu, nhà chờ, trên các tuyến còn thiếu, kém chất lượng, chưa đạt tiêu chuẩn du lịch.

Các sở ngành liên quan đã soạn thảo "Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP HCM định hướng đến năm 2020" với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn xã hội hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. Thành phố sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông mỗi năm khoảng 20%, doanh thu tăng mỗi năm 30%... Đến năm 2020 du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch chủ lực.

chọn
Cao tốc CT 08 qua Nam Định - Thái Bình cần giải phóng 509 ha đất, xây 9 cầu và 5 nút giao, hoàn thành vào năm 2027
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua hai tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài hơn 61 km, đi qua 4 huyện của Nam Định, hai huyện của Thái Bình. Tuyến cao tốc này dự kiến được hoàn thành vào năm 2027.