TP HCM đề nghị giảm gần 6.000 tỷ đồng vốn ODA năm 2021 của 4 dự án do giải ngân chậm

Đến nay, ước tính tỷ lệ giải ngân vốn năm 2021 của cả 4 dự án gồm đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên; Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; Phát triển giao thông xanh TP HCM và Vệ sinh môi trường TP HCM chỉ đạt khoảng 33,8%, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo Trang tin Đảng bộ TP HCM, ngày 17/12, UBND TP HCM có công văn khẩn gửi Bộ Tài chính về việc đăng ký điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 với nguồn vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Trên cơ sở tình hình thực tế triển khai các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đã từ các nhà tài trợ nước ngoài tại TP HCM, UBND thành phố đăng ký điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ (vốn ODA vay lại).

Theo đó, cuối năm 2020, TP HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công  với tổng số 8.934,535 tỷ đồng nguồn vốn ODA vay lại cho 4 dự án gồm dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1); dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2); dự án Phát triển giao thông xanh TP HCM và dự án Vệ sinh môi trường TP HCM (giai đoạn 2).

TP HCM đề nghị giảm gần 6.000 tỷ đồng vốn ODA năm 2021 của 4 dự án do giải ngân chậm - Ảnh 1.

Dự án đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tỷ lệ giải ngân năm 2021 ước đạt trên 42%. (Ảnh: Thanh Niên).

Tuy nhiên, đến nay, ước giải ngân vốn năm 2021 của cả 4 dự án này chỉ đạt 3.025,165 tỷ đồng, tương đương khoảng 33,8%. Ngoài dự án Xây dựng đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tỷ lệ giải ngân năm 2021 ước đạt trên 42%, các dự án còn lại đều rất thấp.

Chẳng hạn, dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) chỉ giải ngân được 1,6%; dự án Phát triển giao thông xanh TP HCM chỉ giải ngân gần 5,6% kế hoạch vốn đã giao; dự án Vệ sinh môi trường TP HCM (giai đoạn 2) cũng chỉ đạt 20,2%.

Lý giải việc giải ngân chậm nguồn vốn ODA, theo UBND TP. HCM, nguyên nhân khách quan là dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc vận chuyển trang thiết bị, vật liệu xây dựng; biến động giá cả, khan hiếm cục bộ vật liệu xây dựng, nhân công thiếu hụt...

Về mặt chủ quan, các công tác chuẩn bị đầu tư dự án (bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiết kế...) chậm triển khai; dự báo nhu cầu, kế hoạch vốn chưa sát thực tế; một số dự án đã được bố trí vốn ODA vay lại nhưng không thể giải ngân do chưa hoàn tất các thủ tục ký điều chỉnh hiệp định vay.

Từ đó, TP HCM đề nghị điều chỉnh giảm tổng cộng 5.909,370 tỷ đồng tiền vốn ODA năm 2021 cho 4 dự án nói trên.

UBND thành phố đã chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ và cùng hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án, nâng cao khả năng giải ngân hết số vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ năm 2021 sau khi được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh giảm.

Liên quan dự án metro số 1 TP HCM, vào đầu tháng 12, Ban Quản lý đường sắt TP HCM cùng nhà thầu đưa thêm 4 đoàn tàu tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cập cảng Khánh Hội (quận 4).

Hiện, tổng tiến độ của dự án đạt 88,22%. Cụ thể, gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 93%; CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 98%; CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 94%; CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 74%.

Năm 2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị sẽ đẩy nhanh công tác hoàn trả toàn bộ mặt bằng khu vực trung tâm thành phố như Công viên 23/9, trước chợ Bến Thành, đường Lê Lợi… để thành phố khôi phục cảnh quan.

Cùng với đó, Ban Quản lý cũng đặt mục tiêu hoàn thành nhập khẩu toàn bộ 17 đoàn tàu của dự án, để công tác vận hành chạy thử đoạn trên cao được đúng kế hoạch.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.