TP HCM báo cáo loạt vấn đề cần được tháo gỡ trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch

Thường trực HĐND TP HCM đánh giá, thành phố dẫn đầu cả nước về tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhưng các đồ án quy hoạch được duyệt lại chưa có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể hoặc phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách.

Thực hiện nghị quyết về hoạt động giám sát của HĐND TP HCM trong năm 2021, thường trực HĐND thành phố đã triển khai hoạt động giám sát chuyên đề về hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP HCM. Tại phiên họp chiều 8/12, kỳ họp thứ 4 HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị đã đọc báo cáo giám sát, trong đó bên cạnh những kết quả đạt được, thường trực HĐND thành phố đã chỉ ra nhiều vấn đề, tồn tại.

Thời gian lập, thẩm định quy hoạch kéo dài, chậm trễ

Về công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch chung TP HCM mới được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 14/9, trong khi nhiệm vụ và các đồ án phân khu đã và đang được thực hiện trên cơ sở đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24 ngày 6/1/2010. Điều đó dẫn đến việc không thống nhất giữa đồ án quy hoạch chung TP HCM đang lập hiện nay với các đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu đang triển khai thực hiện.

TP HCM có những quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, các chuyên ngành này do các đơn vị khác nhau lập và quản lý. Trong quá trình triển khai thực tế các nội dung này còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến quá trình quản lý và tiến độ thực hiện dự án.

Thành phố có bản đồ địa hình tuy nhiên hiện nay chưa được rà soát, cập nhật dữ liệu mới, phục vụ cho việc lập đồ án quy hoạch theo quy định.

Các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 của quận, huyện đều được duyệt cách đây hơn 5 năm, căn cứ quy định phải thực hiện rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn. Đồng thời trong các đồ án nêu trên, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của một số khu vực, ô phố không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của quận huyện.

Nhiều khu đất, ô phố được UBND TP HCM ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cục bộ, vì vậy xét về tổng thể thì các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 đã có sự thay đổi về tính chất, chức năng, quy mô và cơ cấu của khu vực lập quy hoạch. Dân số phân bổ cho các huyện ngoại thành còn thấp, chưa phù hợp với việc phát triển dân cư sang các khu vực ngoại thành theo định hướng phát triển của thành phố.

Thời gian lập, thẩm định và phê duyệt thường kéo dài nhiều so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến chất lượng và tính khả thi của đồ án quy hoạch. Tại thời điểm quy hoạch được duyệt, các số liệu, thông tin, dự báo thể hiện trên đồ án quy hoạch không còn phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, chất lượng nhiều đồ án quy hoạch phân khu chưa cao, thiếu đồng bộ. Các dự báo về dân số, động lực phát triển chưa sát thực tế. Nguồn thông tin dữ liệu, số liệu phục vụ công tác quy hoạch chưa được chuẩn hóa, cập nhật kịp thời, chưa tích hợp được thông tin, cập nhật quỹ đất, vị trí xây dựng, các công trình hạ tầng như trạm điện, trạm thu gom, xử lý chất thải. Đa số các đồ án được lập dựa vào địa giới hành chính các phường xã, chưa thể hiện được tính phân khu và gắn kết với các khu vực lân cận.

Về tổ chức thực hiện quy hoạch, công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu vực chưa có dự án và việc cắm mốc giới theo quy hoạch đô thị, cắm mốc chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, ranh giới khu vực cấm xây dựng ngoài thuộc địa theo hồ sơ cắm mốc giới, đã được phê duyệt sau khi đồ án quy hoạch được phê duyệt, quy định tại luật quy hoạch đô thị chưa thực hiện được.

Hàng loạt công trình hạ tầng chưa có kinh phí thực hiện

Nhiều vấn đề trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP HCM cần được tháo gỡ - Ảnh 1.

Tiến độ di dời nhà trên và ven kênh rach, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ xuống cấp tại TP HCM còn chậm. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ).

TP HCM dẫn đầu cả nước về tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế, tuy nhiên vấn đề tồn tại là các đồ án quy hoạch được duyệt lại chưa có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể hoặc phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách.

Thực tế, thành phố chưa có kinh phí để thực hiện hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhiều tuyến đường, tuyến hẻm nhỏ, không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, chưa được đầu tư mở rộng lộ giới theo đúng quy hoạch được phê duyệt. Nhiều chung cư cũ xuống cấp cần phải tháo dỡ nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm. Việc xây dựng các công trình nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường học, bệnh viện đang trong tình trạng quá tải. Nhiều khu vực quy hoạch khuôn viên cây xanh, giáo dục đã được phê duyệt từ rất lâu nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng.

Các khu vực được quy hoạch công trình công cộng, giáo dục, y tế, công viên cây xanh và đường giao thông hầu hết là các khu dân cư đã sinh sống ổn định, với mật độ dân cư cao, tốc độ phát triển đô thị nhanh. Trong khi đó, việc xác lập nguồn lực thực hiện đối với các khu vực này trong các đồ án quy hoạch phân khu chưa có lộ trình thực hiện cụ thể. Do đó, công tác triển khai, thực hiện quy hoạch gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân trong khu vực quy hoạch.

Thành phố cũng chưa có cơ chế khuyến khích các nguồn lực đầu tư để thực hiện chỉnh trang đô thị tại các khu vực quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp.

Các công trình hạ tầng giao thông vận tải đặc biệt gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nên các dự án trọng điểm quốc gia và liên kết vùng, vận tải khách công cộng khối lượng lớn, giao thông tĩnh chưa thể hoàn thành đầu tư theo quy hoạch.

Giá đất bồi thường nhiều nơi chưa tiệm cận với giá thị trường, chưa được sự đồng thuận rộng rãi của người dân. Còn nhiều trường hợp bất cập như sự chênh lệch rất lớn giữa giá bồi thường đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư với giá bồi thường các khu vực lân cận đã chuyển mục đích sử dụng đất, mặc dù thành phố đã áp dụng hệ số điều chỉnh đơn giá bồi thường.

Các dự án phát triển nhà ở triển khai bằng nguồn vốn xã hội được thực hiện nhanh chóng, trong khi các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hầu như được thực hiện từ nguồn ngân sách hạn hẹp, vì vậy dẫn đến sự mất cân đối về phát triển đô thị.

Về quản lý quy hoạch, thường trực HĐND thành phố đánh giá, việc triển khai thực hiện quy hoạch chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng, do điều kiện kinh tế xã hội chưa thể xác định nguồn lực thực hiện ngân sách hay xã hội hóa và thời gian thực hiện quy hoạch. 

Một số tồn tại trong chính sách, quy định về quy hoạch

Theo báo cáo, chính sách về quản lý nhà đất hiện nay chưa tạo được sự công bằng, có sự khác biệt giữa nhà đất trong và ngoài khu vực quy hoạch đất dân cư, từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây bức xúc trong nhân dân dẫn đến khiếu nại.

Hiện nay đang có sự khác nhau về tên gọi và cách thể hiện của các loại đất đai, giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Từ đó gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, triển khai, thực hiện. Sau phiên giải trình của thường trực HĐND TP HCM năm 2017 về quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp, đến nay UBND thành phố vẫn chưa thống nhất cách quản lý đối với khu đất quy hoạch này, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và tạo ra sự so sánh giữa người dân các địa phương. 

Việc quản lý tại một số khu vực quy hoạch nông thôn mới còn gặp các vướng mắc, do thực tế tồn tại nhiều loại, nhiều cấp độ quy hoạch và quy định còn chưa cụ thể.

Cũng tại báo cáo, qua đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế nêu trên, thường trực HĐND TP HCM đã kiến nghị HĐND thành phố xem xét giao UBND thành phố triển khai một số nội dung theo quy định để thực hiện tốt công tác quy hoạch và bảo đảm việc thực thi hiệu quả các quy định pháp luật về quy hoạch.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.