TP HCM không tăng giá đất, dự kiến giải quyết chỗ ở cho nửa triệu công nhân

UBND TP HCM cho biết luôn nỗ lực điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất để từng bước tiệm cận với giá thị trường, tuy nhiên tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn. Việc điều chỉnh tăng cục bộ một số khu vực sẽ dẫn đến so bì, khiếu nại của người sử dụng.

Đến 2030 giải quyết chỗ ở cho hơn nửa triệu công nhân

Thông tin về chương trình nhà ở tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP HCM khóa X, ngày 8/12, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, thành phố ban hành kế hoạch chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, trong đó phấn đấu phát triển 366.510 căn nhà (khoảng 50 triệu m2 sàn nhà, trong đó nhà ở xã hội chiếm 2,5 triệu m2 sàn).

Ngoài ra, phục vụ công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, TP HCM phát triển thêm 612.000 m2 sàn nhà ở cho công nhân, người lao động. Để phát triển diện tích nhà ở này, TP HCM rà soát 23 dự án có quỹ đất điều tiết xây dựng nhà ở xã hội; quỹ đất ở các quận huyện ngoại thành gần các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm điều chỉnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

TP HCM không tăng giá đất, phấn đấu giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân  - Ảnh 1.

Góc đô thị TP HCM. (Ảnh: hcmcpv.org.vn).

Theo dự thảo chương trình phát triển nhà ở tại TP HCM giai đoạn 2021 - 2030 thành phố đang khẩn trương trình các đơn vị thẩm định và HĐND thành phố thông qua, thành phố sẽ giải quyết được chỗ ở cho 511.141 công nhân, người lao động (trong đó nhà ở xã hội chiếm 57.332 căn, tương ứng 175.144 chỗ ở). Trong đó 84.000 căn nhà trọ (tương 336.000 chỗ ở) do người dân, doanh nghiệp xây dựng.

Ông Trần Hoàng Quân cho biết, Sở Xây dựng TP HCM đã trình phương án chi tiết để nếu như triển khai được ở huyện Bình Chánh thì nhân rộng ra ở TP Thủ Đức và một số nơi khác. Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP HCM phấn đấu giải quyết được chỗ ở cho hơn 243.000 công nhân. Trong đó dự án nhà ở xã hội là 27.301 căn nhà (tương ứng 82.422 chỗ ở), nhà trọ do người dân tự xây là 40.000 căn nhà (tương ứng 160.000 chỗ ở).

Giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất

Tại phiên họp chiều 9/12, các đại biểu HĐND TP HCM đã biểu quyết thông qua Nghị quyết không tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 mà giữ nguyên như năm 2021.

Đây là năm thứ 4 thành phố không thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất. UBND TP HCM cho biết, nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất để từng bước tiệm cận với giá thị trường. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, đặc biệt là trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn.

Bên cạnh đó, dịch đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội của thành phố và ảnh hưởng trực tiếp các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Việc điều chỉnh tăng cục bộ một số khu vực sẽ dẫn đến so bì, khiếu nại của người sử dụng.

Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 ở TP HCM cao nhất là 2,5 lần so với bảng giá đất UBND thành phố ban hành ở khu vực I. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần ở khu vực V. Đất của hộ gia đình, cá nhân có hệ số 1,5 lần cho tất cả khu vực.

Hệ số điều chỉnh giá đất ở TP HCM được đánh giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Đơn cử, theo bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2025 được UBND TP HCM ban hành, giá đất đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) là 162 triệu đồng/m2. Mức này nhân 2,5 lần (hệ số khu vực I) là hơn 400 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường hiện khoảng 800 triệu đồng/m2.

chọn
Chuyên gia: Không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường
Dưới góc nhìn của Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, trong nền kinh tế chung, sẽ có những người không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường, kể cả với phân khúc giá thấp nhất họ cũng không thể mua được.