TP HCM điều chỉnh quy hoạch một số khu vực trung tâm hiện hữu

Sau khi điều chỉnh, mật độ xây dựng khu trung tâm hiện hữu thành phố sẽ chiếm 60% (trước đây là 50%), chiều cao tối đa công trình 39,4m (trước đây là 25m), hệ số sử đụng đất là 5 (trước đây là 2,5).

Liên quan đến việc lập và quản lý quy hoạch đô thị khu vực trung tâm, Ủy ban Nhân dân TP HCM vừa duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu trung tâm hiện hữu thành phố (930ha) gồm khu dân cư phường Cô Giang và một phần phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1.

Khu vực điều chỉnh cục bộ có diện tích 1.000m2 thuộc ô phố 2a có chức năng là đất tôn giáo do Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Chi hội Sài Gòn sử dụng.

Phía bắc khu đất giáp đường Trần Hưng Đạo, phía nam giáp công trình nhà ở hiện hữu, phía đông giáp đường Đề Thám, phía Tây giáp công trình nhà ở hiện hữu.

Sau khi điều chỉnh, mật độ xây dựng khu vực nói trên chiếm 60% (trước đây là 50%), chiều cao tối đa công trình 39,4 m (trước đây là 25 m), hệ số sử đụng đất là 5 (trước đây là 2,5).

Một khu vực khác trung tâm TP HCM cũng đang được lập quy hoạch kiến trúc là thiết kế đô thị tuyến đường Lê Lợi, đoạn từ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành, quận 1.

Cụ thể, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM vừa đề xuất 3 giai đoạn thiết kế cảnh quan để kịp thời tái lập diện mạo đô thị, ổn định hoạt động kinh doanh, buôn bán và dịch vụ của tuyến đường Lê Lợi sau khi tuyến metro số 1 hoàn trả mặt bằng do thi công ga ngầm phía bên dưới khu vực.

Theo đề xuất của Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố, trong giai đoạn 1 ngay sau khi Ban Quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư tuyến metro số 1) hoàn trả mặt bằng xây dựng, thành phố sẽ tái lập, làm mới vỉa hè, lề đường của tuyến đường Lê Lợi.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc sẽ thiết kế tương đồng hoặc thu xếp sử dụng lại thiết kế tòa nhà cho đồng bộ tuyến đường, có bổ sung lối dẫn đường cho người tàn tật và các bồn hoa mới.

Với đề xuất này, dự kiến tổng diện tích lát gạch là 4.216 m2 với chiều ngang vỉa hè 6m, trồng 35 cây dầu mát, cây lim xẹt tạo bóng mát, lắp 50 bồn cây ngầm trên vỉa hè. Tổng chi phí vật tư khoảng 21,4 tỷ đồng.

Giai doạn 2 sẽ hoàn thiện thiết kế đô thị trên lòng đường và vỉa hè với các nâng cấp về tiện ích xã hội nhằm khuyến khích người đi bộ sử dụng phương tiện công cộng và thương mại hai bên trục đường.

Giai đoạn 3 sẽ mở rộng ranh giới nghiên cứu tuyến đường, thực hiện ra các dãy nhà dọc 2 bên đường Lê Lợi với mục đích ưu đãi hệ số sử dụng đất, tầng cao, khoảng lùi để khuyến khích thuơng mại, dịch vụ và thu hút đầu tư.

Liên quan đến việc quy hoạch kiến trúc đô thị, Ủy ban Nhân dân TP HCM vừa phê duyệt nhiệm vụ thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc nút giao thông An Phú, thành phố Thủ Đức.

Dự án nút giao thông An Phú sẽ được đầu tư xây dựng 3 tầng khác mức để kết nối cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ, kết nối đường Mai Chí Thọ với đường Đồng Văn Cống và ngược lại.

Nút giao An Phú là nút giao lộ kết nối giữa đường Mai Chí Thọ với cao tốc TP HCM -Long Thành - Dầu Giây và đường Lương Đình Của, thành phố Thủ Đức, có diện tích sử dụng đất khoảng 29 ha.

Hiện nay, tại nút giao này lưu lượng xe tập trung rất lớn trong khi năng lực thông hành của nút giao còn hạn chế, dẫn tới kẹt xe và nguy cơ mất an toàn giao thông.

Việc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc nút giao An Phú, ngoài nhiệm vụ tối ưu hóa chức năng thông hành giao thông cũng sẽ là điểm nhấn ấn tượng cho cảnh quan khu vực cửa ngõ quan trọng của thành phố Thủ Đức kết nối với trung tâm TP HCM và khu vực lân cận.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.