TP HCM: 'Nóng ruột' chờ dự án ngăn triều cường 10.000 tỷ đồng về đích

Tháng 4 vừa qua, Chính phủ ra Nghị quyết gỡ vướng để TP HCM tiếp tục triển khai dự án ngăn triều nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ;” không chỉ nhà đầu tư mà dân đang rất “nóng ruột" dự án xong.

Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng (dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng) đã đạt hơn 90% khối lượng nhưng ngừng thi công gần một năm qua vì nhiều nguyên nhân.

Dù vào tháng Tư vừa qua, Chính phủ đã ra Nghị quyết 40 gỡ vướng để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai dự án nhưng đến nay, các công việc vẫn đang “giậm chân tại chỗ.” Không chỉ nhà đầu tư mà người dân thành phố cũng đang rất “nóng ruột” mong đợi dự án hoàn thành để thoát cảnh ngập nước do triều cường.

Người dân mong sớm thoát cảnh ngập nước

Trong tháng 10 năm nay, triều cường ở Thành phố Hồ Chí Minh vượt mức báo động 3 gây ngập diện rộng tại nhiều tuyến đường nằm ở khu vực trũng của thành phố. Đường ngập vào giờ tan tầm gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

TP HCM: 'Nóng ruột' chờ dự án ngăn triều cường 10.000 tỷ đồng về đích - Ảnh 1.

Ngập tại khu vực cầu Phú Xuân, tiếp giáp giữa huyện Nhà Bè và quận 7. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN).

Cảnh hàng loạt phương tiện giao thông bị chết máy khiến người điều khiển phải vất vả dẫn bộ qua điểm ngập hoặc gọi các dịch vụ sửa chữa đến hỗ trợ là việc diễn ra hầu như mỗi ngày.

Chị Lương Thị Bích Trâm, ngụ tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nhà chị nằm ở gần cầu Phước Kiểng nên khi triều lên là nước ngập hơn nửa mét, di chuyển rất khó khăn. Triều lên đúng vào lúc tan tầm nên mỗi lần đi làm về nhà chị đều phải tháo giày, xắn quần lội nước một đoạn đường dài, về đến nhà người đã ướt sũng.

“Xe tôi thường xuyên phải dắt bộ lội nước nên hỏng liên tục, đến nỗi chủ tiệm sửa xe gần nhà quen mặt, mỗi lần dắt xe ra là họ hỏi xe bị chết máy vì vô nước phải không. Cũng may hiện nay con tôi chưa học tập trung chứ không thì cũng phải chịu cảnh lội nước cùng mẹ vì triều lên đúng ngay giờ cháu tan học,” chị Trâm kể.

Anh Huỳnh Thanh Phát, chủ một quán ăn trên đường Trần Xuân Soạn, phường Phú Mỹ, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ hơn 10 năm sinh sống và kinh doanh tại khu vực này, gia đình anh đã quá quen thuộc với cảnh ngập do triều cường đến mức “thuộc lòng” khoảng thời gian nào trong năm là triều lên, khung giờ nào là triều đạt “đỉnh”…

Theo anh Phát, rút kinh nghiệm sau nhiều năm, cứ đến đợt triều cường lên là nhà anh lại đóng cửa quán ăn, chất bao cát trước cửa để ngăn nước tràn vào nhà.

Anh Phát cho biết vào cuối năm ngoái đã xảy ra đợt triều cường lớn khiến nước từ bên ngoài Kênh Tẻ trào lên, đổ vào nhà làm hỏng bàn ghế, vật dụng và gây ô nhiễm phải dọn mất một tuần mới sạch nên năm nay, dù biết sẽ gây ảnh hưởng đến thu nhập nhưng gia đình anh vẫn quyết định tạm ngưng buôn bán mỗi khi triều cường xuất hiện.

“Hơn nửa năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, gần đây mới bắt đầu cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống hoạt động lại. Nhưng chúng tôi mở cửa chưa được bao lâu lại gặp triều cường, xem như không buôn bán gì được vì nước ngập thế này cũng không ai muốn đến ăn.

Ngay cả giao đồ ăn cho khách cũng khó vì các tài xế công nghệ thấy nước ngập cũng ngại nhận cuốc. Tôi còn nhớ năm ngoái khi nghe thông tin rằng dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng sẽ về đích vào cuối năm 2020, không chỉ riêng tôi mà tất cả các hộ kinh doanh dọc con đường này vui còn hơn trúng vé số. Cứ tưởng từ nay thoát được cảnh triều cường để yên ổn làm ăn, không ngờ gần 1 năm qua đi mọi thứ vẫn y như cũ,” anh Phát chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, chị Hoàng Thị Hương, ngụ tại phường 15, Quận 8, gần khu vực đường Mễ Cốc - nơi đang có công trình thi công cống Phú Định, thuộc dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng - cho biết dù nằm sát bên khu vực thi công công trình chống ngập nhưng khu dân cư nơi chị sống lại là một trong những khi bị ngập nặng nhất do triều cường của quận 8.

Vào cuối năm 2020, khu vực này đã xảy ra sự cố vỡ bờ bao liên tục 3 lần khiến nhiều tài sản của người dân bị hư hỏng. Năm nay, tình hình cũng chưa có nhiều chuyển biến vì triều cường cũng đã gây ngập 4-5 lần trong thời gian qua.

TP HCM: 'Nóng ruột' chờ dự án ngăn triều cường 10.000 tỷ đồng về đích - Ảnh 2.

Người dân di chuyển giữa dòng nước tại đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN).

“Tình trạng ngập ngày càng nặng theo từng năm, năm sau lại ngập nặng và ngập lâu hơn năm trước. Mỗi lần triều lên là nhà tôi lại lênh láng nước, khi có xe tải chạy qua là sóng nước dềnh lên tràn vào trong nhà làm ướt hết bàn ghế, giường tủ, còn đồ điện máy chúng tôi phải kê thật cao để tránh chập điện. 

Bên ngoài đường, nước ngập gần nửa bánh xe, chạy xe chẳng khác gì thi ‘vượt chướng ngại vật’ vì không nhìn thấy được phía dưới làn nước có gì. Nhiều người đã ngã xe vì chạy vấp vào ổ gà hoặc các loại rác lớn bị nước cuốn ra giữa đường, rất nguy hiểm. Tôi chỉ mong dự án ngăn triều sớm hoàn thành, cải thiện tình hình để người dân bớt vất vả,” chị Hương nói.

Chưa biết khi nào về đích

Theo đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) - chủ đầu tư Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, dự án hiện đã đạt hơn 90% khối lượng.

Cụ thể, cống kiểm soát triều Bến Nghé (quận 1) đạt 92%, cống Tân Thuận (quận 7) đạt 93%, cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đạt 95%, cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) đạt 90%, cống kiểm soát triều Cây Khô (huyện Nhà Bè) đạt 90% và cống Phú Định (quận 8), đạt 92%.

Tại 6 cống kiểm soát triều nói trên đã hoàn tất việc lắp đặt cửa van, hệ thống xilanh thủy lực, âu thuyền, buồng bơm. Riêng hạng mục kè mang cống, thảm đá lòng sông và khu nhà quản lý đang tạm dừng thi công.

Tuy nhiên, từ giữa tháng 11/2020, dự án phải tạm ngưng thi công đến nay vì phụ lục hợp đồng xây dựng-chuyển giao (hợp đồng BT) để gia hạn thời gian thực hiện dự án (đã hết hạn từ tháng 6/2020) chưa được ký do gặp vướng mắt trong việc lựa chọn quỹ đất. Khi phụ lục hợp đồng không được ký, ngân hàng không thể giải ngân số tiền còn lại, dẫn đến việc chủ đầu tư không đủ kinh phí cấp cho các đơn vị thi công tiếp tục làm việc, khiến dự án bị đình trệ.

Theo Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Công nghệ và Quản lý môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị chịu tác động mạnh mẽ về biến đổi khí hậu. Dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng được kỳ vọng rất lớn để giúp thành phố cải thiện, hướng đến chấm dứt tình trạng ngập do triều cường nhưng thi công hơn 5 năm qua vẫn chưa hoàn thành, đưa vào vận hành thì quá trễ. Ngoài ra, Giáo sư Lê Huy Bá cũng nhận xét việc đắp đê ngăn triều của Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện chưa tốt khiến triều dâng xâm nhập nội thành rất nhiều.

Nhằm gỡ vướng cho Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1, đầu tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết 40 về việc gỡ vướng, để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được giao chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án đúng theo quy định; đồng thời thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý.

TP HCM: 'Nóng ruột' chờ dự án ngăn triều cường 10.000 tỷ đồng về đích - Ảnh 3.

Đường Tân Hòa Đông (quận Bình Tân) bị ngập sâu do mưa lớn kết hợp triều cường. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN).

Về vốn đầu tư, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất với Ngân hàng Nhà nước cùng Ngân hàng BIDV về việc tái cấp vốn vay thực hiện dự án. Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm khắc phục tối đa tồn tại pháp lý đang vướng mắc; hiệu quả chống ngập của dự án; không để tiêu cực, thất thoát...

Ngày 26/10 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Ban Quản lý Dự án hạ tầng đô thị được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với chủ đầu tư dự án và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức, thực hiện nhằm đem lại hiệu quả cao.

Hiện các bên đã hoàn tất việc xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành của dự án, từ đó làm cơ sở để giải ngân khoản vay cho dự án. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố chủ trì thực hiện theo trình duyệt báo cáo giám sát đánh giá đầu tư và điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 được khởi công từ giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Theo tiến độ ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018, sau đó phải ngưng thi công 10 tháng và điều chỉnh thời gian hoàn thành đến tháng 6/2019 do vướng mắc liên quan việc tái cấp vốn. Dự án được tái khởi động vào tháng 2/2019, dự kiến đưa vào vận hành trong quý 1/2020 nhưng tiếp tục vướng mắc về cả mặt bằng và nguồn vốn cấp phát cho vay.

Chủ đầu tư sau đó khẳng định công trình có thể hoàn thành trong tháng 10/2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nếu có mặt bằng.

Tuy nhiên, mặt bằng không được giao đúng hẹn cho đơn vị thi công. Đến giữa tháng 11/2020, dự án tiếp tục phải ngưng thi công do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chưa ký phụ lục hợp đồng BT gia hạn thời gian thực hiện dự án (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6.2020).

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.