TP HCM sắp khởi công 12 dự án chống ngập

Để chuẩn bị cho mùa mưa, triều sắp tới, TP HCM sẽ khởi công hàng loạt dự án chống ngập trong quý II và quý III năm nay.

Ngày 11/5, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, đã ký văn bản báo cáo UBND TP HCM về kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021-2025.

Khởi công hàng loạt dự án

Theo Sở Xây dựng TP, kế hoạch tám tháng cuối năm TP sẽ khởi công 12 dự án, trong đó 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường.

Cụ thể, ở TP Thủ Đức có ba dự án lớn được khởi công, gồm dự án đường số 8 (phường Phước Bình), lắp đặt cống thoát nước, tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường với tổng vốn 120 tỉ đồng; dự án lắp đặt cống, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ đường 990 đến cầu Võ Khế, tổng mức đầu tư lên đến 300 tỉ đồng; dự án cải tạo cống thoát nước, giảm ngập đường Lã Xuân Oai (từ đường Lê Văn Việt đến đường 102) với tổng vốn đầu tư hơn 35 tỷ đồng.

Tại quận 11 sẽ triển khai hai dự án có tổng số vốn hơn 100 tỷ đồng, gồm dự án đường Hàn Hải Nguyên (từ đường Minh Phụng đến đường 3/2), dự án rạch Đầm Sen (từ chùa Giác Viên đến kênh Tân Hóa). 

Quận 6 có một dự án 100 tỷ đồng là dự án đường Lý Chiêu Hoàng (từ đường Nguyễn Trãi đến đường Phan Chu Trinh). Quận 5 khởi công dự án đường Triệu Quang Phục (từ đường Hồng Bàng đến đường Hải Thượng Lãn Ông) lắp đặt cống hộp, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường, tổng vốn đầu tư gần 61 tỉ đồng. Quận 12 có dự án đường Tô Ký (từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Trung Mỹ Tây) gần 78 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại huyện Nhà Bè sẽ triển khai dự án đường Nhơn Đức - Phước Lộc (từ đường Lê Văn Lương đến đường Đào Sư Tích); huyện Hóc Môn có dự án đường Dương Công Khi (đoạn từ quốc lộ 22 đến cây xăng dầu COMECO); huyện Củ Chi có dự án đường hương lộ 2 (từ quốc lộ 22 đến đường Hồ Văn Tăng).

Ngoài 11 dự án này, TP cũng sẽ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có giá trị 307 triệu USD. Đây là gói thầu quan trọng nhất của dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2).

TP HCM sắp khởi công 12 dự án chống ngập - Ảnh 1.

Sắp tới, TP HCM sẽ khởi công hàng loạt dự án chống ngập trong quý II và quý III năm nay. (Ảnh: THU TRINH).

Nhiều dự án chống ngập còn chậm

Sở Xây dựng TP cũng cho biết tình trạng ngập ở TP HCM thời gian qua còn do các yếu tố khách quan (dân số tăng nhanh, biến đổi khí hậu khiến triều và mưa tăng) và chủ quan. Trong các yếu tố chủ quan có việc chậm triển khai các công trình chống ngập.

"Tiến độ các dự án còn chậm, đạt khoảng 46% theo quy hoạch tổng thể thoát nước TP HCM đến năm 2020 (Quy hoạch 752) và khoảng 10% theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP HCM (Quy hoạch 1547) khi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn không đảm bảo" - đại diện Sở Xây dựng TP đánh giá.

Đơn cử như dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng đang được triển khai tại TP HCM cũng "ì ạch" do nhiều vướng mắc. Dù Chính phủ đã ra nghị quyết gỡ nhiều vấn đề cho dự án này vào đầu tháng 4 nhưng đến nay các công việc vẫn "giậm chân tại chỗ".

Theo tiến độ ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018, sau đó phải ngưng thi công 10 tháng và điều chỉnh thời gian hoàn thành đến tháng 6/2019 do vướng mắc liên quan việc tái cấp vốn. 

Được tái khởi động vào tháng 2/2019, dự kiến đưa vào vận hành trong quý I/2020 nhưng tiếp tục vướng mắc về cả mặt bằng và nguồn vốn cấp phát cho vay. Hiện dự án vẫn đang chờ về đích dù đã hoàn thành tới 95% khối lượng công trình.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến các dự án còn chậm tiến độ theo Sở Xây dựng đó là tình trạng xây dựng lấn chiếm, xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, kênh rạch. Quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường diễn ra nhanh chóng, hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch gây ra tình trạng ngập úng. 

Đối với những dự án phát triển đô thị, khu dân cư mới, khi thực hiện đầu tư đã san lấp làm mất diện tích thấm, khả năng trữ nước tự nhiên của kênh rạch nhưng chưa thực hiện bù lại diện tích thấm, thoát nước tự nhiên.

Đồng thời, công tác kêu gọi đầu tư dự án đang gặp nhiều khó khăn, khả năng huy động vốn ODA bị thu hẹp, chưa có cơ chế thu hút huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách. "Các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt đã không còn phù hợp nhưng chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh. Công tác dự báo về tình hình thời tiết, thủy văn chưa khoa học, đạt độ chính xác chưa cao" - văn bản của Sở Xây dựng TP nêu.

Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, đại diện Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, thông tin mặc dù đã có nghị quyết tháo gỡ nhưng đến nay dự án vẫn chưa có gì tiến triển dù TP đã có nhiều cuộc họp để giải quyết.

Cần hơn 101.000 tỉ cho chống ngập

Để thực hiện giải pháp công trình, Sở Xây dựng TP cho biết nhu cầu vốn cần hơn 101.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án đến năm 2025.

Theo đó, các dự án thuộc Quy hoạch 752 (về tổng thể hệ thống thoát nước của TP.HCM đến năm 2020) cần hơn 38.100 tỷ đồng. Các dự án thuộc Quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP HCM) cần hơn 20.600 tỉ đồng. Các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải cần 41.000 tỷ đồng, các chương trình đầu tư công hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng TP hơn 1.700 tỷ đồng.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.