Đề xuất thí điểm 5 tuyến buýt điện tại TP HCM từ quý I/2022

5 tuyến xe buýt điện được đề xuất hoạt động thí điểm trong hai năm, TP HCM trợ giá hơn 44%. Dự kiến tuyến đầu tiên hoạt động từ quý I/2022.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND thành phố về đề xuất mở mới 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn, theo Trang tin Đảng bộ TP HCM.

Đây là lần thứ hai việc mở các tuyến xe điện này được đề xuất để phù hợp mục tiêu phát triển vận tải công cộng, giảm ô nhiễm...

Theo đề xuất, TP HCM sẽ thí điểm 5 tuyến xe buýt điện từ khu đô thị Vinhomes Grand Park, TP Thủ Đức đi các điểm trong thành phố.

Các tuyến này gồm VB01 có lộ trình Vinhomes Grand Park (khu đô thị ở quận 9) - Trung tâm thương mại Emart, quận Gò Vấp.

Tuyến VB02 có lộ trình Vinhomes Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất; tuyến VB03 có lộ trình Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn; tuyến VB04 có lộ trình Vinhomes Grand Park - Bến xe Miền Đông mới; tuyến VB05 có lộ trình Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia.

Đề xuất thí điểm 5 tuyến buýt điện tại TP HCM từ quý I/2022 - Ảnh 1.

TP HCM dự kiến thí điểm xe buýt điện từ quý I/2022. (Ảnh minh họa: Thiên Trường).

Theo tính toán, sẽ có khoảng 77 xe được đầu tư trong 5 tuyến xe buýt, mỗi xe 65-70 chỗ (đứng, ngồi), chạy bằng điện; hoạt động 5-21h mỗi ngày.

Giá vé được đề xuất 3.000 đồng mỗi lượt cho học sinh, sinh viên và 5.000-7.000 đồng với nhóm khách còn lại, tùy tuyến.

Sở Giao thông vận tải TP HCM đề xuất hình thức đặt hàng đối với đơn vị cung cấp dịch vụ và áp dụng tạm thời đơn giá dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch ở thành phố để áp dụng cho loại hình xe buýt điện.

Sau thời gian thí điểm, việc này sẽ được đánh giá lại. Nhà đầu tư dự kiến sử dụng vé điện tử và đầu tư trung tâm điều khiển, phần mềm quản lý trực tuyến, giám sát tài xế... trên các tuyến.

Những tuyến xe trên sử dụng 6 điểm đầu cuối, trong đó 5 điểm đang phục vụ hoạt động của hệ thống buýt tại thành phố gồm bến xe buýt Sài Gòn (quận 1); bãi hậu cần số 1 (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp); sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình); bến xe buýt ký túc xá B Đại học Quốc gia và Bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức).

Điểm đầu cuối còn lại nằm trong khu dân cư Vinhome Grand Park, nhà đầu tư xây dựng bến bãi với diện tích 2.000 m2, bao gồm 20 vị trí cho xe đậu và hạ tầng kỹ thuật kèm theo.

Ngoài ra, cùng việc chủ yếu sử dụng trạm dừng của mạng lưới buýt hiện hữu, trên lộ trình các tuyến buýt sẽ được bổ sung thêm một số điểm khác để thuận tiện cho khách đi lại.

Trước đó, TP HCM thí điểm ba tuyến buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác, giá 12.000 đồng mỗi lượt, phục vụ khách tham quan, dân cư ở quận 1 và khu Phú Mỹ Hưng, quận 7.

TP HCM hiện có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Những năm qua, thành phố trợ giá trung bình mỗi năm 1.000 tỷ đồng cho xe buýt.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.