TP HCM duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ có diện tích 2.870 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9 tỷ USD, vừa được UBND TP HCM duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tọa lạc tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Dự án có diện tích lập quy hoạch khoảng 2.870 ha, gồm 4 phân khu A, B, C và D-E, quy mô tổng dân số gần 230.000 người, có khả năng đón 8-9 triệu lượt du khách mỗi năm. Mục tiêu phát triển dự án thành khu đô thị du lịch biển, nghỉ dưỡng, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở và khách sạn.

Về quy hoạch chi tiết các phân khu gồm; phân khu A rộng hơn 950 ha, một mặt giáp biển Đông (cửa sông Đồng Tranh), một mặt giáp thị trấn Cần Thạnh. Đây sẽ là khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch khu vực cửa ngõ khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Theo quy hoạch, phân khu A được chia thành 8 khu, gồm 4 đơn vị ở (A1, A3, A4, A6) và 4 khu chức năng (A2, A5, A7, A8).

Phân khu B gần 660 ha, một mặt giáp biển Đông, còn lại giáp đường nội bộ ven biển khu du lịch 30/4. Phân khu này chia thành 4 đơn vị ở là B1, B2, B3, B4 với tổng dân số dự kiến 75.000 người và 1 phân khu chức năng B5. Phân khu này sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, công trình dịch vụ - công cộng đô thị, đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Nhà ở xã hội được xác định tại đơn vị ở B1, B2 và B3 của phân khu B với tổng diện tích gần 103 ha, chiếm tỷ lệ hơn 20% diện tích đất ở của toàn dự án.

Khu vực thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và vùng biển xung quanh. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Phân khu C khoảng 318 ha với hai mặt giáp biển được phân thành 6 đơn vị ở từ C1 đến C6, tổng dân số tối đa bố trí trong các đơn vị ở là 41.364 người; bao gồm khu vực công trình hỗn hợp (đất hỗn hợp nhóm nhà ở cao tầng 44 tầng). Phân khu này được quy hoạch khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng, khu đô thị hiện đại (biệt thự, liên kế, chung cư).

Phân khu D khoảng 480 ha được phân thành 4 đơn vị ở D1, D3, D4, D5 và 2 khu chức năng gồm khu chức năng dịch vụ du lịch D2 và khu chức năng E1. Đây là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự) đảm bảo tiêu chí hiện đại và thông minh. Phân khu E khoảng 458 ha là mặt nước, kênh dẫn và cây xanh sử dụng cấp đô thị.

Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư tháng 6/2020, dự án được tăng quy mô đầu tư từ 600 ha lên 2.870 ha. Tổng vốn đầu tư hơn 217.050 tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD), trong đó vốn chủ sở hữu gần 33.000 tỷ. Dự án hoạt động 50 năm, tiến độ triển khai trong 11 năm.

Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ là chủ đầu tư, dự kiến thực hiện dự án từ tháng 4/2025. Tổ hợp này có thể hoàn thành vào 2030.

Cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km về phía Đông Nam, Cần Giờ là huyện giáp biển duy nhất của thành phố. Theo quy hoạch TP HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt, huyện Cần Giờ sẽ trở thành đô thị sinh thái, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển, tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do; vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh dự án khu đô thị du lịch lấn biển, TP HCM còn có dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

chọn
Bức tranh công nghiệp Nghệ An sau 10 năm: Từ 'vùng trũng' chuyển mình thành ngôi sao FDI của miền Trung
Từng là vùng trũng trên bản đồ công nghiệp, những năm qua Nghệ An liên tục phá kỷ lục hút vốn ngoại và tiến vào top 10 cả nước. Trong chu kỳ mới của bất động sản, tỉnh này được dự báo là ngôi sao mới dẫn dắt thị trường công nghiệp miền Trung với cuộc chơi dành cho những nhà phát triển chuyên nghiệp như VSIP, WHA Industrial và Hoàng Thịnh Đạt.