Theo ghi nhận của Savills, rất nhiều chuỗi ăn uống và cửa hàng thời trang tại các vị trí đắc địa có tình hình kinh doanh lao dốc, buộc phải đóng cửa hoặc thu gọn kinh doanh.
Hàng loạt nhà phố tại các khu vực trung tâm phụ thuộc vào lĩnh vực du lịch từ khách nước ngoài như đường Lý Tự Trọng, Đồng Khởi tại quận 1 đã tiến hành tạm ngừng hoạt động hoặc trả mặt bằng.
Một ví dụ điển hình về tình trạng gặp khó của các chủ nhà cũng như khách thuê trong thời gian này là các khu phố Hàn Quốc quanh khu vực quận 7 bỏ trống gần 40%.
Trong khi đó, khu vực này vốn dĩ là nơi tập trung rất nhiều người Hàn Quốc làm việc và sinh sống tại Việt Nam.
Đặc biệt, quanh phường Tân Phong, Phú Mỹ Hưng đã từng là một thị trường rất lí tưởng dành cho ngành bán lẻ, với mật độ dân số đông, cư dân là những người có thu nhập và chất lượng cuộc sống cao.
Bà Trần Thị Thu Hà, phụ trách bán lẻ của Savills Việt Nam cho hay: "Mức giá thuê trung bình của khu vực này dao động từ 4.000-15.000 USD/m2 tùy vào vị trí và diện tích cho thuê, tương đối thấp hơn so với trung tâm quận 1 và quận 3.
Trước thời điểm dịch bệnh, tỉ lệ lấp đầy của bất động sản bán lẻ trong khu phố Hàn luôn duy trì ở mức cao khoảng 95%. Hiện nay, tỉ lệ bỏ trống đã lên đến 40%, nhất là ở các mặt bằng nội khu."
Chuyên gia của Savills đánh giá, việc giảm giá thuê từ phía chủ nhà là một trong những điều kiện tiên quyết để gỡ rối những khó khăn hiện tại, không chỉ cho các khách thuê tại khu vực quận 7 mà còn trên phương diện toàn thị trường.
Tuy nhiên, nên giảm bao nhiêu, hình thức giảm và thời hạn giảm như thế nào vẫn là điều các chủ nhà còn khá dè dặt và phải cân nhắc kĩ lưỡng.
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Thu Hà, chủ nhà có thể lựa chọn việc chủ động giảm giá cho khách thuê, tìm khách hàng mới lấp chỗ trống, tiếp cận các doanh nghiệp hoặc ngành hàng tiềm năng cho việc hợp tác lâu dài.
Còn về phía khách thuê, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp để đầu tư cũng là một hướng đi quan trọng trong thời điểm này.
"Trong khi COVID-19 đã, đang và có khả năng gây ảnh hưởng nặng nề đến rất nhiều ngành hàng thì những phân khúc liên quan đến lợi ích sinh hoạt hoặc nhu yếu phẩm, y tế sức khỏe, điện tử,… lại có nhiều dư địa và cơ hội trong việc mở rộng, phát triển trong tương lai", bà Hà kết luận.
Doanh thu bán lẻ hồi phục sau giãn cách xã hội
Sau giai đoạn giãn cách xã hội, doanh thu bán lẻ TP HCM tăng trưởng trở lại với mức tăng 20% vào tháng 5 và tăng 5% trong tháng 6.
Riêng doanh thu lưu trú và ăn uống tăng mạnh 80% ở tháng 5 và 42% ở tháng 6. Doanh thu bán lẻ hàng hóa có mức tăng thấp hơn, tăng 12% trong tháng 5 và tăng 3% trong tháng 6.
Giá thuê trung bình của phân khúc bán lẻ giảm nhẹ 1% theo quí nhưng ổn định theo năm.
Nhằm hỗ trợ cho khách thuê bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách xã hội, hầu hết các chủ thuê đã giảm giá thuê đến 30% trong hai tháng 4 và tháng 5.
Khi lưu lượng khách mua sắm phục hồi kể từ tháng 6, các trung tâm thương mại đã đề xuất mức giảm giá 15% hoặc giảm phí dịch vụ 2 USD/m2.