TP HCM phân loại được 113 biệt thự cũ thì hàng trăm căn đã biến mất

Số lượng biệt thự cũ ở TP HCM ngày càng 'teo tóp' do gia chủ tháo dỡ để phát triển kinh tế nhưng cũng có nhiều căn thuộc dạng 'không xác định địa chỉ' trong quá trình kiểm đếm.
avatar_1573985541317

Hai căn biệt thự số 53 và 55 Tú Xương (P.6, Q.3) được đề xuất xếp vào nhóm 1. (Ảnh: Sỹ Đông)

Phân loại 113 biệt thự cũ

Hội đồng Phân loại biệt thự TP HCM vừa trình UBND TP tờ trình về việc phê duyệt các danh mục biệt thự cũ trên địa bàn TP đã được phân loại. Tính đến hết tháng 10/2019, toàn TP có 926 biệt thự cũ được chủ sở hữu và các cơ quan chức năng đề nghị phân loại. Sau khi thẩm định 110 biệt thự đủ điều kiện, Hội đồng Phân loại biệt thự chia thành 3 nhóm gồm 25 căn nhóm 1, 64 căn nhóm 2 và 21 căn nhóm 3.

Theo đề xuất, các căn biệt thự nhóm 1 và nhóm 2 không được phá dỡ khi chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo kết luận kiểm định của Sở Xây dựng. Trong trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xâỵ dựng, số tầng và chiều cao của biệt thự cũ.

TP HCM phân loại được 113 biệt thự cũ thì hàng trăm căn đã biến mất - Ảnh 2.

Biệt thự số 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa được chủ nhân sử dụng làm không gian mở nhà hàng. (Ảnh: Sỹ Đông)

Khi biết tin cơ quan chức năng xếp biệt thự của gia đình vào nhóm 1, chủ một căn biệt thự trên đường Ngô Thời Nhiệm (P.6, Q.3) bày tỏ sự thất vọng bởi tuổi đời biệt thự chưa tới 100 năm, kiến trúc cũng không có gì độc đáo. Cách đây 3 tháng, nhân viên bảo tàng đến xin chụp ảnh để làm hồ sơ bảo tồn nhưng gia đình không đồng ý. “Vô diện bảo tồn có được gì đâu, chỉ thấy phiền”, chủ biệt thự nói do từ chối.

KTS Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết không phải biệt thự cũ nào ở TP HCM cũng là biệt thự cổ, số lượng biệt thự cổ rất ít. Nhiều biệt thự xuống cấp, mục nát buộc chủ nhà phải sửa chữa cùng với thủ tục phân loại biệt thự chậm nên nhiều biệt thự không còn nguyên trạng.

TP HCM phân loại được 113 biệt thự cũ thì hàng trăm căn đã biến mất - Ảnh 3.

Biệt thự số 110 - 112 Võ Văn Tần nằm ở vị trí đắc địa, được chuyển nhượng với giá trị 35 triệu USD. (Ảnh: Sơn Sơn)

Đối với các biệt thự được đưa vào nhóm 1 và nhóm 2, KTS Mười cho rằng giữ nguyên hiện trạng không có nghĩa là để yên như vậy mà cần tính đến bài toán khai thác kinh tế. Nếu chủ biệt thự có nhu cầu khai thác kinh tế thì TP phải có chính sách cụ thể để gia chủ sống được trên chính tài sản của mình.

“Điều quan trọng là phải có người biên tập về lịch sử, kiến trúc biệt thự làm cơ sở khai thác du lịch. Sở Du lịch và các công ty du lịch không thể đứng ngoài cuộc mà phải phối hợp với chủ biệt thự để khai thác. Cùng với đó là kinh phí duy tu, sửa chữa biệt thự để giữ gìn”, KTS Khương Văn Mười phân tích.

560 căn biệt thự biến mất

Biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1975 được coi là một nét độc đáo của TP HCM nhưng đang bị tháo dỡ với tốc độ chóng mặt. Phần lớn các biệt thự cũ tập trung tại các quận 1, 3, 5, Bình Thạnh, Thủ Đức, nhiều căn tọa lạc ở vị trí đất vàng nên chủ nhân muốn tháo dỡ, cải tạo để phát triển kinh tế.

Tại buổi giám sát của HĐND TP HCM về công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị mới đây, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã thông tin có 560/1.400 biệt thự cũ tại thành phố biến mất, không còn giữ nguyên hiện trạng mà xây dựng thành nhà phố.

TP HCM phân loại được 113 biệt thự cũ thì hàng trăm căn đã biến mất - Ảnh 4.

Biệt thự số 237 Nơ Trang Long (P.11, Q.Bình Thạnh) bị chủ nhân tháo dỡ, hiện đang rao cho thuê mặt bằng. (Ảnh: Sỹ Đông)

Đơn cử như biệt thự số 237 Nơ Trang Long (P.11, Q.Bình Thạnh), chủ biệt thự bắt đầu tháo dỡ từ năm 2016. Q.Bình Thạnh phát hiện và yêu cầu ngừng thi công nhưng các năm sau đó, nhiều cấu kiện của biệt thự được hạ giải. Cuối cùng, Hội đồng Phân loại biệt thự TP HCM xếp căn này vào nhóm 3, nhóm các biệt thự không phải bảo tồn.

Đồng tình với việc nhiều biệt thự cũ bị biến mất nhưng một cán bộ làm việc tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho rằng con số thực tế thấp hơn nhiều do cách kiểm đếm của các quận huyện. Nhiều căn biệt thự mặt tiền đường bị chủ nhân cải tạo thành quán cà phê, nhà hàng, hiệu kính nên nhìn không thể nhận biết từ bên ngoài nhưng nếu nhìn từ trên cao thì biệt thự vẫn còn đó.

TP HCM phân loại được 113 biệt thự cũ thì hàng trăm căn đã biến mất - Ảnh 5.

Biệt thự số 145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.6, Q.3) là trụ sở một công ty du lịch nhưng trong báo cáo của UBND Q.3 thì thuộc diện “địa chỉ này không có”. (Ảnh: Sỹ Đông)

Là quận nội thành cũ, Q.3 có nhiều biệt thự trên các trục đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bà Huyện Thanh Quan, Điện Biên Phủ, Trần Quốc Thảo. UBND Q.3 cho biết trong số 127 biệt thự được Viện Nghiên cứu Phát triển đề nghị kiểm điểm, phân loại thì có 19 trường hợp bị loại bỏ khỏi danh sách do nhà đã xây mới, không có theo địa chỉ hoặc hiện trạng đã là nhà phố.

Điều bất thường là một số căn biệt thự mà Q.3 xếp vào diện không tìm được địa chỉ lại là những căn biệt thự cũ có kiến trúc đẹp, nằm ở những vị trí đắc địa. Có thể kể đến 2 căn biệt thự liền kề số 143 và 145 Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện là trụ sở của một công ty du lịch và một nhà hàng.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.