TP HCM sắp đón nguồn cung nhà liền thổ mới sau nhiều quý khan hiếm

Quý III, nguồn cung sơ cấp nhà phố, biệt thự tại TP HCM ở mức thấp nhất trong mười năm qua với 766 căn, giảm 24% theo quý và 5% theo năm. Savills cho biết, quý IV dự kiến có khoảng 200 căn mới được chào bán ra thị trường.

Ảnh tư liệu: Hải Quân.

Báo cáo thị trường bất động sản khu vực TP HCM quý III/2023 của Saviils cho thấy, trong quý vừa qua TP HCM không có nguồn cung nhà phố, biệt thự mới. Nguồn cung sơ cấp chạm mức thấp nhất trong mười năm qua với 766 căn, giảm 24% theo quý và 5% theo năm.

Xét theo địa phương, TP Thủ Đức chiếm 88% tổng nguồn cung sơ cấp. Còn xét theo giá cả, các sản phẩm có giá trên 30 tỷ đồng/căn chiếm 86% nguồn cung. ‏

‏Bên cạnh sự sụt giảm về nguồn cung mới thì số lượng giao dịch trên thị trường cũng trầm lắng. Trong quý III, lượng giao dịch nhà phố, biệt thự ở TP HCM là 64 căn, giảm 43% theo quý, giảm 82% theo năm và thấp nhất kể từ năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 8%, giảm 3% theo quý và giảm 36% theo năm.‏

‏Theo Savills, lý do là bởi nguồn cầu suy giảm, không có nguồn cung mới, trong khi hàng tồn kho thì có mức giá đắt đỏ.‏

‏Nguồn: Savills.‏ 

Trong bối cảnh đó, các chủ đầu tư có động thái tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, thậm chí ngưng bán hàng, hạn chế các hoạt động marketing và trì hoãn kế hoạch mở bán dự án mới cho đến năm sau. ‏‏ ‏‏Một số chủ đầu tư tiếp tục áp dụng các chính sách bán hàng và cho vay đa dạng để thu hút người mua.‏

‏Về triển vọng thị trường trong thời gian tới, Savills cho biết quý IV/2023 dự kiến có khoảng 200 căn mới được chào bán ra thị trường. Đến năm 2026, thị trường kỳ vọng sẽ đón thêm 4.600 căn được chào bán; cùng với đó, nhiều dự án hạ tầng được hoàn thiện như sân bay Long Thành hay đường Vành Đai 3 dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. ‏

‏Ông Neil MacGregor, Tổng Giám Đốc, Savills Việt Nam nhận định: “Thị trường biệt thự, nhà phố vẫn duy trì tiềm năng tăng trưởng bất chấp những thách thức hiện tại. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận nhiều quỹ đất hơn, qua đó giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung như hiện tại”. ‏

chọn
Cảnh hoang hóa tại dự án Mai House Hội An sau những lần đổi chủ
Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai House Hội An xuất phát điểm được đầu tư phát triển bởi CTCP Thế kỷ 21 (C21), đến năm 2009 về tay các công ty con của Tập đoàn Indochina Capital. Sau nhiều năm trì trệ, dự án được kỳ vọng hồi sinh khi TBS Group mua lại và tái khởi công vào năm 2022. Đến nay, khu đất dự án đã không còn dấu hiệu thi công, các thông tin về chủ đầu tư cũng đã được gỡ bỏ...