Theo Cổng TTĐT Chính phủ trang TP HCM, ngày 12/7, trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ X, HĐND TP HCM khóa X đã thông qua chủ trương điều chỉnh quy mô và nguồn vốn để triển khai thực hiện cao tốc TP HCM - Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo các nghị quyết cũ, về quy mô đầu tư dự án, theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa phận TP HCM (từ đầu tuyến đến trước nút giao ĐT 787B) đáp ứng 8 làn xe; đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh đáp ứng 6 làn xe; giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh của đường cao tốc.
Chiều dài toàn tuyến khoảng 50 km, trong đó đoạn qua TP HCM là 24 km, đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26 km. Giai đoạn 1 thực hiện đầu tư quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 15.900 tỷ đồng.
Đến nay, UBND TP HCM đề xuất HĐND xem xét, chấp thuận đầu tư giai đoạn 1 có quy mô đáp ứng 6 làn xe; giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch hoàn chỉnh của đường cao tốc; tăng chiều dài toàn tuyến lên khoảng 51 km.
Giải thích điều này, UBND thành phố cho biết chiều dài tuyến tăng do điều chỉnh cục bộ hướng tuyến qua khu vực kho đạn K75 thuộc huyện Củ Chi, TP HCM và qua trận địa pháo binh thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh được Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất.
Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) cũng được đề xuất tăng lên 21.527 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 9.827 tỷ đồng, tương đương 46% tổng mức đầu tư dự án; Phần vốn nhà đầu tư BOT là 11.700 tỷ đồng, tương đương 54% tổng mức đầu tư dự án.
UBND thành phố cho rằng, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn thực hiện, đẩy nhanh tiến độ trình duyệt chủ trương đầu tư dự án, triển khai xây dựng dự án theo tiến độ cam kết với Chính phủ.
Trên cơ sở kết luận của Hội đồng thẩm định liên ngành, UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố xem xét, quyết nghị thống nhất chủ trương điều chỉnh quy mô dự án và cho phép thành phố bố trí thêm 2.900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố tham gia vào hỗ trợ cho công tác xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP.
Việc tăng thêm này nhằm nâng cao tỉ lệ % góp vốn Nhà nước trong dự án, tăng tính khả thi để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Số vốn này sẽ được bố trí và giải ngân trong kế hoạch đầu tư công trung hạn gian đoạn 2026 - 2030, do đó sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mà HĐND thành phố đã thông qua.
UBND Thành phố cũng sẽ xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về phương án chi 2.900 tỷ đồng ở bước tiếp theo.
Như vậy, tổng vốn ngân sách thành phố cần bố trí theo phương án này là 6.927 tỷ đồng, tăng 1.026 tỷ đồng so với phương án trình HĐND thành phố trước đây; trong đó, 4.027 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và 2.900 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026 - 2030.