Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đi kiểm tra công trường dự án vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2. (Ảnh: HÀ NHÂN)
Dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 tiếp nối thành công từ giai đoạn 1, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng số vốn 524 triệu USD, trong đó có 450 triệu USD vốn vay ODA, phần còn lại là vốn đối ứng.
Dự án được kỳ vọng sẽ xử lý được nước thải chuẩn loại A trước khi đổ ra sông Sài Gòn với công suất ban đầu 480.000 m3/ngày đêm, và sẽ nâng lên tối đa 850.000 m3/ ngày đêm trong tương lai.
Về sử dụng vốn ODA kết dư sau đấu thầu của dự án vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2, theo chủ trương của UBND TP HCM, là nhằm đầu tư bổ sung các hạng mục theo thứ tự ưu tiên gồm: Hạng mục xử lý bùn thải theo công nghệ hiện đại, Trung tâm học tập môi trường ELC, hệ thống điện năng lượng mặt trời bên trong Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thuộc dự án).
Bên cạnh đó, để cải thiện, nâng cao sức khỏe đời sống của người dân thành phố, UBND TP HCM cũng chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư bổ sung các hạng mục thoát nước mưa, thu gom nước thải, nạo vét, kiên cố hóa các tuyến rạch đang bị ô nhiễm trong phạm vi sử dụng vốn ODA kết dư nói trên.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đi kiểm tra công trường dự án vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2 vào năm 2018. (Ảnh: HÀ NHÂN)
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên với đại diện Ban quản lý đầu tư dự án Hạ tầng đô thị TP HCM, phương án xử lý bùn thải tại chỗ (tại Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè) vừa hạn chế tối đa được mùi hôi phát sinh, vừa tạo ra những sản phẩm có thể bán lấy tiền được, như bùn khô làm san lấp, làm phân bón hữu cơ, làm gạch, khí sinh học; xử lý bằng công nghệ khép kín vừa an toàn, vừa tự động hóa, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến những công nhân vận hành.
Phương án này có thể tiết kiệm và làm lợi lên đến hơn 1 tỉ đồng mỗi ngày; ưu điểm vượt trội so với phương án chở bùn tươi chưa xử lý đi chôn, mà việc tập kết có thể gây mùi hôi ngay tại khu vực tập kết gần nhà máy ở P.Thạnh Mỹ Lợi (Q.2); và tránh được tình trạng chở đi lòng vòng “sẽ hôi toàn thành phố” trước khi đổ về các bãi rác…
Trong khi đó, Trung tâm học tập môi trường ELC sẽ không chỉ là nơi chuyển giao công nghệ hiện đại tối tân nhất (các công nghệ như lọc sinh học, lọc bùn hoạt tính theo mẻ...) cho các trường đại học, thu hút được các chuyên gia nghiên cứu mà còn mở cửa cho cộng đồng tham quan, tìm hiểu; hướng đến việc đưa các em thiếu nhi, học sinh cùng nhà trường, phụ huynh đến tham quan và tìm hiểu, qua đó nâng cao nhất ý thức cộng đồng chung tay cùng bảo vệ môi trường thành phố.
Việc nghiên cứu bổ sung hạng mục thoát nước, thu gom nước thải và kiên cố hóa các tuyến rạch đang bị ô nhiễm sẽ góp phần đáng kể vào việc chống ngập lụt cho Q.2, xóa các điểm đen về ngập, ô nhiễm và dịch sốt xuất huyết, tạo cơ sở hạ tầng thuận lợi để khu vực Q.2 phát triển bền vững, trở thành đô thị sáng tạo, trung tâm tài chính của khu vực.