Người dân Nam Sài Gòn liên tục kêu cứu vì bị mùi hôi tấn công

Mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân khu Phú Mỹ Hưng (quận 7), Nhà Bè, Bình Chánh... phải đóng chặt cửa, không dám ra đường.

Người dân ở các chung cư, biệt thự khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) như: Lacasa, Grand View, The Era Town, Bellaza... cùng các khu dân cư ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè hơn tháng nay lại "kêu trời" vì mùi hôi nồng nặc. Không khí có mùi được miêu tả như phân heo, xuất hiện sau các cơn mưa, chiều tối và rạng sáng.

Những khu dân cư, tòa nhà có mặt tiền hướng Nam, Tây - Nam chịu ảnh hưởng nặng nhất. Cuộc sống các gia đình đảo lộn vì luôn phải đóng cửa sổ, mở máy lạnh, không dám ra ngoài. Nhiều người sức khoẻ yếu còn thấy choáng váng, nhức đầu, mỗi khi mùi hôi ập đến.

Sống tại chung cư Lacasa (phường Phú Mỹ, quận 7), chị Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, mùi hôi nồng nặc bao trùm cả không gian rộng lớn, có khi đi trên cầu Phú Mỹ cũng ngửi thấy. "Cơ thể tôi không chịu được máy lạnh, nhưng cứ đêm nào mở cửa sổ ngủ là cái mùi kinh khủng ấy lại ập vô, càng không ngủ được", chị nói.

Người dân Nam Sài Gòn liên tục kêu cứu vì bị mùi hôi tấn công - Ảnh 1.

Cư dân ở các căn hộ tầng cao tại khu Nam Sài Gòn phải chịu mùi hôi thối tấn công nhiều nhất sau các cơn mưa. Ảnh: Hữu Nguyên.

Phải chịu cảnh tương tự là hàng trăm hộ dân chung cư Grand View, phường Tân Phong (quận 7). Chị Đậu Thiên Hoàng Anh nói: "Mấy năm nay ai cũng biết mùi hôi thối xuất phát từ bãi rác Đa Phước. Lắm hôm tôi tưởng mình như đang ở giữa một hố phân. Chán nản, chắc phải chuyển đi chỗ khác chứ ở như thế này thì quá kinh khủng".

Trên diễn đàn Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng hay Sự thật mùi hôi thối ở Nam Sài Gòn... người dân cập nhật liên tục về mùi xú uế. Họ nhiều lần gửi đơn phản ánh, cầu cứu, đến cơ quan chức năng quận 7, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM, UBND TP HCM đề nghị có biện pháp xử lý. Nhiều người bày tỏ nỗi chán chường, thất vọng, mong muốn bán nhà đi nơi khác để ổn định cuộc sống.

"Cư dân Phú Mỹ Hưng bỏ ra vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng để hưởng cuộc sống đô thị văn minh ở đây nhưng nhiều năm nay chúng tôi lại phải hứng chịu mùi rác nồng nặc. Mỗi đợt hôi thối kéo dài đến 5-6 tháng mùa mưa khiến cuộc sống khốn khổ", chị Nguyễn Xuân Hương (ngụ chung cư Grand View) chia sẻ.

Trên quốc lộ 50, tuyến độc đạo dẫn vào nhà máy xử lý rác Đa Phước, người dân cho biết, ngoài xe chở rác còn có xe chở chất thải của nhà máy xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh. Mỗi lần mùi hôi thối bốc lên hàng trăm gia đình phải chịu trận, thậm chí khi đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang.

Người dân Nam Sài Gòn liên tục kêu cứu vì bị mùi hôi tấn công - Ảnh 2.

Bãi rác Đa Phước có công suất chôn lấp mỗi ngày khoảng 5.500 tấn, hiện đã cao như ngọn núi. Ảnh: Hữu Nguyên.

Trong văn bản gửi UBND TP HCM, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, Sở nhận được phản ánh ô nhiễm mùi hôi phát sinh từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh). Đây là khu xử lý chất thải của thành phố với 3 đơn vị đang hoạt động. Trong đó, riêng Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) đang chôn lấp chất thải ở độ cao trung bình 14 m, trên một diện tích rất rộng, nên mùi hôi ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

Sở Tài nguyên – Môi trường đã cùng chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá mùi hôi ở các khu dân cư Phú Mỹ Hưng; khu dân cư xã Nhơn Đức; Phước Kiển (Nhà Bè)... Sở cũng làm việc với Công ty VWS trao đổi về 10 biện pháp mà đơn vị này đang triển khai, đề nghị họ tập trung khống chế mùi hôi như: tăng nồng độ chế phẩm khử mùi để phun xịt trong khoảng thời gian trước khi bắt đầu mưa (thời điểm người dân phản ánh có mùi hôi nhiều nhất) và trong các khoảng thời gian người dân phản ánh có mùi hôi nhiều (16-19h; 24-1h; 5-6h); điều chỉnh thời gian chôn lấp để giảm thiểu tối đa mùi hôi ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân...

"Các nội dung này đã được VWS tiếp thu và cam kết sẽ triển khai ngay. Quá trình thực hiện MBS (Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố) sẽ giám sát để đánh giá hiệu quả", báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường nêu.

Hiện, MBS phối hợp UBND quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè thiết lập đường dây nóng tại các phường, xã để ghi nhận phản ánh của người dân. Hoặc, người dân có thể thông tin trực tiếp đến số 0903684844 của ông Ngô Thành Đức – Phó giám đốc MBS.

Liên quan đến việc các khu xử lý rác gây ô nhiễm môi trường, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội hôm 19/7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường có biện pháp "mạnh tay"; làm việc với các nhà máy buộc sử dụng công nghệ mới, giảm ô nhiễm, nếu không sẽ đình chỉ hoạt động.

Mùi hôi nồng nặc ở Phú Mỹ Hưng và các khu dân cư Nam Sài Gòn xuất hiện từ giữa năm 2016 khiến người dân gửi đơn kêu cứu nhiều nơi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chỉ đạo làm rõ.

Theo UBND TP HCM, hoạt động của các nguồn phát thải trong khu Liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam - VWS) đã phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến khu vực dân cư một số phường của quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè. Đây là khu chôn lấp rác lớn nhất TP HCM, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5.600 tấn rác, chiếm 66% tổng lượng rác tại thành phố.

Tháng 6/2017, VWS bị Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) xử phạt 1,5 tỷ đồng, yêu cầu chấm dứt việc lưu giữ nước thải trái quy định và nhanh chóng xử lý toàn bộ nước thải đang lưu chứa tại ô chôn lấp số 2.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.