Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng "đăng đàn" sáng 16.11. NGỌC THẮNG |
Các câu hỏi của đại biểu sáng nay phần lớn tập trung vào 3 vấn đề nóng là nợ đọng thuế, mất an toàn nợ công và cải cách thủ tục hành chính, sự nhũng nhiễu của cán bộ thuế, hải quan.
Trả lời vấn đề người dân mua hàng không lấy hoá đơn giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về cơ chế quản lý hộ kinh doanh, thuế khoán, hội đồng xã phường duyệt thuế, mức thuế suất… Quá dài dòng và lan man, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân phải cắt ngang: “Đại biểu Bùi Thu Hằng có hỏi về việc doanh nghiệp bán hàng không xuất hoá đơn, người dân không có thói quen lấy hoá đơn khi mua hàng. Đề nghị Bộ trưởng tập trung trả lời về vấn đền này”.
Trả lời về việc kiểm tra chuyên ngành hàng nhập khẩu, ông Dũng cho rằng do nhiều bộ quản lý một mặt hàng, đặc biệt khâu kiểm tra chuyên ngành rất lớn và rất khó khăn, chồng chéo… Chủ tịch Quốc hội phải “gút” lại: “Vậy giải pháp của bộ trưởng là gì? Trong những tháng còn lại năm 2017 và 6 tháng đầu 2018 thì ngành tài chính có phối hợp với các bộ để khắc phục được không?”
“Như báo cáo, có 200 danh mục hàng hóa nhưng có đến trăm nghìn hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nên các bộ phải tập trung. Hải quan chỉ chiếm 28% thôi, 72% là từ yêu cầu, quy định của các bộ, ngành”, Bộ trưởng Dũng đáp lại.
Trả lời về nợ công, ông Dũng thừa nhận nợ công đang tăng rất cao, áp lực trả nợ lớn. Đặc biệt, giải ngân vốn ODA ưu đãi trong giới hạn 300.000 tỉ đồng cả giai đoạn đến năm 2020. Ông Dũng cầm giấy đọc báo cáo một loạt các giải pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục nhắc cần phải tập trung vào phần giải pháp, trọng tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính quay lại chủ đề chính.
Khi trả lời vấn đề chống chuyển giá, Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân cũng phải lưu ý, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ưu tiên trả lời vấn đề chuyển giá và giải pháp khắc phục chuyển giá, bởi đây là vấn đề bức xúc của xã hội.
Ông Dũng cho biết, thời gian qua đây là vấn đề bức xúc của xã hội và cử tri. Về khung khổ pháp lý, từ 1995 Bộ đã có văn bản hướng dẫn về kiểm soát chuyển giá, gần đây Bộ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này (năm qua đã ban hành nghị định, thông tư); đồng thời Bộ cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có sản xuất liên kết, trong năm 2016 kiểm tra hơn 1.000 doanh nghiệp, truy thu cả ngàn tỉ đồng; năm nay bộ cũng tiến hành hơn 1.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, truy thu, truy hoàn thuế hơn 3.000 tỉ đồng...