Trà Vinh giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt gần 54% kế hoạch

Sáng 27/9, tại hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 do UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, tổng kế hoạch vốn năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh trên 3.546,4 tỷ đồng; đến ngày 23/9, tỉnh đã giải ngân gần 1.906 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch.

Việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua chưa cao do nhiều nguyên nhân. Cụ thể như giá nguyên vật liệu xây dựng tăng, đặc biệt là khan hiếm nguồn cát, từ đó tác động trực tiếp đến chi phí, tổng mức đầu tư dự án và ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình; một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Cùng với đó là một số bất cập trong cơ chế, chính sách mặc dù đã được phát hiện nhưng vẫn ảnh hưởng tiến độ thi công, giải ngân. Tùy từng dự án, Luật Đầu tư công liên quan đến nhiều luật như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu… nên quy trình thực hiện  mất nhiều thời gian.

Đối với nguồn vay nước ngoài phải giải ngân theo hình thức ghi thu - ghi chi, vừa chịu sự chi phối thủ tục nước ngoài vừa đảm bảo quy định trong nước, phải thông qua nhiều cơ quan kiểm soát  nên thủ tục giải ngân mất nhiều thời gian.

Với nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành kịp thời nên địa phương còn lúng túng trong triển khai. Vì vậy khả năng nguồn vốn này đến cuối năm 2022 không thể giải ngân hết.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt, sâu sát; chưa phát huy vai trò của người đứng đầu; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm...

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chỉ đạo các sở, ngành, UBND các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến cuối năm đạt từ 95% kế hoạch vốn năm 2022 trở lên.

Chủ tịch UBND tỉnh phân công một phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực xây dựng cơ bản, thường xuyên tổ chức họp với chủ đầu tư để đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng… 

Tỉnh kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 của những dự án giải ngân chậm, hoặc không có khả năng giải ngân hết vốn được giao sang các dự án có tiến độ tốt, các dự án giải ngân hết kế hoạch vốn được giao có nhu cầu bổ sung vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành dự án; đồng thời, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm hợp đồng, chậm trễ thi công.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

chọn
Hà Nội sẽ làm Vành đai 3 qua huyện Đông Anh với gần 7.700 tỷ đồng, khởi công cuối 2025
Đường Vành đai 3 TP Hà Nội đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh có tổng chiều dài khoảng 15 km, đi qua 9 xã thuộc huyện Đông Anh, với tổng mức đầu tư gần 7.700 tỷ đồng.