Theo VTV thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), chậm nhất là cuối năm nay, bưởi Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Mỹ.
Như vậy, ngoài 6 loại hoa quả được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài; thời gian tới đây nhiều loại quả của Việt Nam sẽ được thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản,..
Đặc biệt, việc chuyên gia Mỹ quay trở lại Việt Nam giám sát kiểm dịch trái cây sang Mỹ, sẽ giúp tình hình xuất khẩu sang thị trường này tăng tốc trong cuối năm nay và dự báo tăng so với năm 2019 cả về sản lượng lẫn giá trị.
Trước đó, ngày 17/9, lô hàng trái cây của Công ty Vina T&T Group được xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA. Cụ thể, 20.000 trái dừa vào thị trường Anh, 12 tấn bưởi vào thị trường Đức và ba tấn thanh long vào thị trường Hà Lan.
Ngày 6/8, 7,5 tấn nhãn từ phía Nam Việt Nam đã được thông quan tại bang Nam Úc. Dự kiến 9 tấn nhãn từ của vùng đất Hải Dương sẽ lên tàu sang Úc vào ngày gần nhất nếu thời tiết tại vùng trồng thuận lợi.
Hiện nay, tại thị trường miền nam nước Úc, giá nhãn Việt Nam được bán với giá dao động 9 -11 AUD/kg (khoảng 150.000 - 184.000 đồng).
Ở thị trường châu Á, cuối tháng 6 vừa qua, những lô vải thiều đầu tiên của nước ta xuất sang Nhật Bản đã chính thức được bày lên quầy kệ hơn 250 siêu thị nước này và bán với giá khoảng 500.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, chỉ sau vài giờ xuất hiện trên quầy kệ siêu thị, loại quả đặc sản này đã hết sạch. Trong ngày mở bán đầu tiên tại các hệ thống siêu thị của Nhật Bản (21/6), lô vải thiều tươi hai tấn của Việt Nam đi bằng được hàng không đã bán hết sạch chỉ trong vòng vài tiếng.
Hiện nay trái cây là nông sản chủ lực của Việt Nam và là ngành hàng phát triển nhanh nhất. Nếu như năm 2012 xuất khẩu trái cây mới đạt được một tỉ USD thì sau 7 năm (đến năm 2019), con số này nâng lên hơn 3,6 tỉ USD, theo Bộ NN&PTNT.
Trái cây nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung dần chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản - các nước có yêu cầu rất khắt khe với các qui định về hàng rào kĩ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... Đây là dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng về cả số lượng và chất lượng của ngành hàng này.
Đặc biệt, từ ngày 1/8/2020, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nông sản Việt Nam rộng cửa vào EU hơn. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kì năm 2019, theo báo Chính phủ.
Việc EU đang là thị trường xuất khẩu thứ 4 của rau quả Việt Nam cùng miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam, nhất là với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia....