Vừa qua, một số chuyên gia đã nêu ý kiến nói rằng việc dùng máy bơm chống ngập cho thành phố là phản khoa học, trên thế giới chưa có nơi nào dung bơm để chống ngập.
Theo đó, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đưa ra luận điểm:
"Việc rác thải kéo về đường ống cống khiến "siêu máy bơm" không hoạt động hiệu quả là kết quả của "sự ngu dốt về thủy động học".
TP HCM đã cho phép Tập đoàn Quang Trung tiến hành lắp hệ thống bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh vào hồi tháng 7/2017. (Ảnh: Văn Dũng) |
Phản biện về ý kiến này của TS. Nguyễn Thành Sơn, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Tập đoàn Quang Trung) cho biết, hiện nay tại nhiều quốc gia văn minh đã và đang dùng siêu máy bơm để chống ngập cho thành phố như Jakarta, Malaysia, Singapore, Hà Lan…
Theo ông Cường, TP HCM đã mua nhiều loại bơm và có nhiều loại công suất khác nhau từ 1000 m3/h đến 2700 m3/h đã đưa ra sử dụng nhưng vẫn không hiệu quả.
Tập đoàn Quang Trung đã nghiên cứu loại bơm đặc biệt có thể hoạt động tốt ở điều kiện đường ống hút bị hở và trong cống có độ nhớt đậm đặc và có nhiều tạp chất; có dải công suất mềm từ 27000 m3/h đến 96000 m3/h, dưới 27000 m3 vẫn hoạt động được (loại bơm này dùng để chống ngập nước lúc cực đại) khi vận hành trong vòng 15 – 20 phút là giải quyết hết ngập sau đó bơm duy trì vì nước các nơi vẫn đổ dồn về nơi trũng...
Nếu lắp bơm nhỏ khoảng 500 m3/h với lượng mưa 100 ly để bơm ở khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh như các chuyên gia TS. Nguyễn Thành Sơn và TS. Hồ Long Phi phản biện thì phải mất 200 giờ bơm mới hết nước.
Còn nếu dùng 3 bơm thì hết 66 giờ và không có chỗ để đặt bơm vì toàn bộ lưu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh rộng khoảng 123 ha, trong đó có 49 ha cốt nền thấp dưới 1,5 m, có gần 70 ha có cốt nền cao hơn đều đổ dồn nước trên bề mặt và trong các cống nhỏ về đường Nguyễn Hữu Cảnh và có một tuyến đường ống cống duy nhất đổ ra sông Sài Gòn.
“Công thức của các chuyên gia như TS. Nguyễn Thành Sơn và TS. Hồ Long Phi, TS. Phạm Sanh đưa ra thì ai cũng được học và được coi như trình độ công nghệ 1.0, còn loại bơm của chúng tôi đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đang sử dụng có hiệu quả là công nghệ 4.0”, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Quang Trung nêu trong văn bản phản biện.
Siêu máy bơm chống ngập của Tập đoàn Quang Trung được đặt tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh. (Ảnh: Văn Dũng) |
Đối với ý kiến của TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông và TS. Vũ Hải, người có 50 năm kinh nghiệm thoát nước cho rằng máy bơm hút mạnh sẽ gây ra vỡ ống cống và tạo ra các hố tử thần… thiết kế công trình không đúng tiêu chuẩn.
Phản biện về ý kiến này, ông chủ của “siêu máy bơm” giải thích rằng không thiết kế công trình chỉ tận dụng hệ thống cống có sẵn của thành phố để đặt hệ thống bơm và đã hoạt động được 21 lần thành công, có hiệu quả tốt, chưa bị chỗ nào vỡ cống và cũng chưa có khu vực nào xuất hiện hố tử thần.
Ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quang Trung đã lên tiếng phản biện lại ý kiến của các chuyên gia về việc nói rằng việc dùng siêu máy bơm chống ngập tại thành phố HCM là phản khoa học. (Ảnh: Văn Dũng) |
Bên cạnh đó, Tập đoàn Quang Trung còn dẫn chứng tài liệu của Ngân hàng Thế giới cho rằng cốt nền của thành phố mỗi năm lún từ 1 cm - 3 cm, trong khi nước biển dâng cao từ 1 cm - 3 cm/năm do nhiệt độ Trái đất nóng lên.
Khoảng trên 60% diện tích đất của TP HCM bị ảnh hưởng do triều cường.
Vì thế thành phố có gần 100 điểm ngập trải dài đều các quận từ quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12. Các khu vực này khi kiểm tra cốt nền đều dưới 1,5 m; trong khi mực nước đỉnh triều từ 1,65 m đến 1,68 m.
Như vậy, gần 100 điểm ngập này đều bị ngập do triều cường và ngập do mưa.
"Hiện nay một số chuyên gia đang cố tình tư vấn cho thành phố nên nâng đường và thay cống lớn tại các điểm ngập trũng… như thế sẽ không hiệu quả và sẽ gây lãng phí tiền của nhân dân", đại diện tập đoàn Quang Trung nêu ý kiến.
Lấy ví dụ để giải thích cho điều này, lãnh đạo Tập đoàn Quang Trung cho biết: Giải pháp nâng đường từ cốt nền 1,5 m lên cốt nền 2 m sẽ khiến nhà của dân thấp hơn mặt đường từ 50 cm đến 80 cm.
Như vậy, Nhà dân sẽ thành ao, cuộc sống sản xuất kinh doanh của họ sẽ bị đảo lộn.
Nếu thay cống thật lớn 2 m x 2 m thì độ dốc thủy lực chỉ đạt 0,3 m ÷ 0.4 m, đạt 1/3 độ dốc thủy lực tối thiểu so với tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (1 m).
Với độ dốc này, khi có triều cường lên, kết hợp với mưa to thì dù có nâng cao đường lên và thay cống lớn vẫn bị ngập nặng.
Ví dụ như đường Kinh Dương Vương, đường Nguyễn Văn Quá, đường Lê Văn Lương và kể cả đường Huỳnh Tấn Phát tới đây cũng sẽ bị ngập nặng tương tự.
Nếu để cốt nền như cũ mà thay cống lớn lên, ví dụ 2 m x 2 m thì nước không thoát ra sông, mà ngoài sông lại chảy vào nơi bị úng ngập, thậm chí còn bị ngập nặng hơn.
“Vậy các chuyên gia có cao kiến nào để có giải pháp tốt hơn giúp cho Thành phố chống ngập tại gần 100 điểm?
Còn nếu không có giải pháp nào tốt hơn thì mong các chuyên gia ủng hộ chúng tôi đặt bơm để chống ngập cho Thành phố như đất nước Hà Lan đang thực hiện”, chủ đầu tư dự án siêu máy bơm chống ngập lên tiếng.
TP.HCM cử lực lượng bảo vệ siêu máy bơm đường Nguyễn Hữu Cảnh
Dù được trang bị siêu máy bơm, đường Nguyễn Hữu Cảnh nhiều lần bị ngập, gần nhất là cơn mưa ngày 1/6. UBND TP.HCM mời ... |
Tiết lộ bất ngờ 'siêu máy bơm' tê liệt ở rốn ngập Sài Gòn
Mưa lớn xuyên đêm kéo dài đến rạng sáng 2/6 khiến nhiều đường phố ở TP HCM ngập nặng. Siêu máy bơm trên đường Nguyễn ... |