Cần có đột phá trong bậc học mầm non
Ngày 31/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017;
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đoàn Hà Nội (ảnh: quochoi.vn). |
Trong phiên thảo luận này, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu đoàn Hà Nội cho rằng:
“Chính phủ chỉ đạo các cơ quan làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về trẻ em, gia đình và giáo dục đào tạo.
Tăng cường đôn đốc kiểm tra và nghiên cứu đề xuất các mô hình, giải pháp mới để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ an toàn”.
Ông Ngọ Duy Hiểu đã kiến nghị với Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có đột phá trong công tác giáo dục mầm non.
Theo vị Đại biểu Quốc hội này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần:
“Nhận thức đúng vị trí bậc học nền tảng và đặc biệt quan trọng này;
Kinh nghiệm của các nước phát triển công nghệ tiên tiến và có nguồn nhân lực chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Israel đều là những nước rất coi trọng giáo dục sớm và coi trọng bậc học mầm non.
Chúng ta cần có đổi mới về nội dung, cách thức và mô hình giáo dục trẻ; quan tâm đào tạo đội ngũ nhà giáo, cô nuôi dạy trẻ đáp ứng yêu cầu”.
Đề xuất tăng lương cho giáo viên
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu sửa đổi, tăng lương cho giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non.
Vì cô giáo mầm non vừa sử dụng trí tuệ, kỹ năng, tình yêu thương để giáo dục trẻ nhưng đồng thời họ phải lao động chân tay để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và dỗ dành trẻ, họ rất xứng đáng để được nhận đồng lương cao hơn.
Chúng ta quyết không còn những trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, sau 37 năm dạy học mầm non, nay khi nhận quyết định nghỉ hưu cô đã chết lặng với mức lương hưu mà được hưởng sắp tới sẽ là 1,3 triệu đồng/tháng.
Toàn xã hội, nhất là gia đình phải phối hợp tích cực với nhà trường để giáo dục trẻ, truyền thông cảnh báo khẩn cấp để chấm dứt tình trạng nhiều gia đình cho trẻ xem ti vi, sử dụng điện thoại thông minh, iPad triền miên làm cho trẻ không còn nhu cầu giao tiếp xã hội, dẫn đến tự kỷ, phát triển lệch lạc và bạo lực ngày càng tăng”.
Liên quan đến lương của cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, sau phát biểu của ông Ngọ Duy Hiểu, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa có ý kiến tranh luận:
“Tôi xin trao đổi lại ý kiến của đại biểu Ngọ Duy Hiểu.
Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, nếu chúng ta nói không chuẩn người lao động sẽ băn khoăn.
Trường hợp của chị Lan ở Hà Tĩnh chiều hôm qua chúng tôi đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo lại toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội và tôi đã giải thích trên báo chí, hôm nay nhân dịp này tôi xin trao đổi lại để Quốc hội biết.
Chị Lan thực chất đi dạy 35 năm, nhưng trước đó chỉ đi dạy theo cách tự nguyện và hưởng theo mức đóng góp của người dân, công điểm.
Thực chất đóng bảo hiểm của chị Lan là 22 năm 8 tháng. Toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân của các năm đóng bảo hiểm xã hội là 1,8 triệu, làm căn cứ bảo hiểm xã hội.
Khi chị Lan về hưu là 22 năm, tương đương với 69%, tính trên mức đóng bình quân của 22 năm.
Như vậy, 96% nhân 1,8 triệu thì lương của chị được 1.270.000.
Quốc hội rất sáng suốt là tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà về hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được bằng lương cơ sở, nên chúng ta cấp bù cho chị Lan 37.000 để đạt 1.300.000.
Như vậy, không phải do chúng ta làm sai, mà chúng ta đang cải cách tiền lương nên sẽ tính theo cách đóng cao để hưởng cao hơn và thời gian đóng dài hơn”.
Qua trao đổi của Đại biểu Bùi Sỹ Lợi có thể thấy, việc lương giáo viên thấp như hiện nay do đóng bảo hiểm xã hội thấp. Muốn cải thiện lương giáo viên chỉ có cách nâng mức đóng bảo hiểm và kéo dài thời gian đóng.
Đại biểu Dương Trung Quốc đoàn Đồng Nai. ảnh: quochoi.vn |
Cũng liên quan đến đời sống giáo viên, ngày 31/10, bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, trao đổi với báo chí Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng:
“Chúng ta hay nói, trong xã hội truyền thống của chúng ta có hai ông thầy được tôn trọng nhất, xứng đáng được tôn trọng.
Một ông thầy dạy học và một ông thầy chữa bệnh cực kỳ quan trọng.
Hình như, trong xã hội ngày nay lại chống lặp lại điều đó.
Ngày xưa, đi học nghề giáo là những người tài nhất.
Đương nhiên, tài giỏi nhất thì được đối xử tốt nhất và hưởng thụ tốt nhất. Ngoài sự tôn trọng về tinh thần còn được hưởng thụ về mặt vật chất.
Dường như, chúng ta đang làm ngược lại. Những người không thi đậu vào trường nào thì vào giáo dục. Điều này đi ngược với nguyên lý giáo dục là xây đắp tương lai.
Như một phát biểu gần đây, chúng ta nói đến công nghệ 4.0 thì cần có con người, công nghệ chỉ là cái máy.
Con người sử dụng nó, vận hành, sáng tạo. Nếu không có thế hệ học trò 4.0 làm sao chúng ta có được nền kinh tế 4.0 mà nó kế cận chúng ta rồi.
Nếu nhận thức được điều này thì dù khó khăn đến mấy cũng giải quyết được. Còn cách tính toán như các đại biểu nêu ra, người thì thuận, người thì nghịch, tôi nghĩ đó là tính toán trên giấy.
Trên nền tảng ai cũng thừa nhận rằng chúng ta chưa quan tâm đến đội ngũ giáo viên, nhất là các thầy cô, lớp mầm non.
Gần đây có cố gắng đặt bậc học mầm non vào vị trí của nó để pháp luật phải bảo hộ.
Pháp luật có bảo hộ nhưng hiện không có điều kiện vật chất nên đó chỉ là bước đệm, tiền đề, chưa phải là hiện thực”.
Để nâng cao đời sống cho giáo viên, vị đại biểu của đoàn Đồng Nai cho rằng:
“Vấn đề lương là bài toán tổng thể, nó phải cân đối, tương đối, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Có lẽ, đa số đồng thuận một điều thầy giáo là quan trọng, thầy giáo là gây dựng tương lai, nhưng khi đặt lên bàn tính về lương, bổng thì hình như không phải như thế”.