Trào lưu Bolero: phải sến mới là sang?

Bolero hay còn gọi là nhạc sến, nhạc vàng (dòng nhạc thịnh hành và được hâm mộ trước năm 1975) thời gian gần đây bỗng trở thành  một “món ăn” tinh thần thời thượng của khán giả, nhất là sau sự quay trở về của rất nhiều nghệ sỹ hải ngoại thành danh với dòng nhạc này. 

Xưa, bolero được khán giả coi là nhạc sến, nhạc bình dân, não tình, thê lương thì tầm gần chục năm trở lại đây, bolero lại được coi là dòng nhạc “sang” và rất nhiều nghệ sĩ trẻ tung album nhạc sến để chiều lòng người nghe.

Vì sao lại thế?

Mới đây ca sỹ Hồ Quỳnh Hương tung album nhạc sến có tên “Hương xưa” với hàng loạt ca khúc như “Sầu lẻ bóng” , “Chuyện hợp tan”, “Sao chưa thấy hồi âm”… Album đánh dấu sự quay trở lại với âm nhạc của ca sỹ đất mỏ khiến cho công chúng khá bất ngờ. Hồ Quỳnh Hương vốn được đánh giá rất cao về giọng hát và gu âm nhạc văn minh, thể hiện qua các album đình đám mà cô đã từng ra mắt công chúng trước đó. Với album “đặc sệt” nhạc sến này, Hồ Quỳnh Hương gây chú ý dư luận bởi sự “thể nghiệm” ở dòng nhạc xưa nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng nữ ca sỹ “Hoang mang” đang… hoang mang trong phong cách âm nhạc nên đã chọn nhạc xưa như một cách an toàn để ra mắt công chúng yêu nhạc.

trao luu borelo phai sen moi la sang
Hồ Quỳnh Hương diễn xuất trong MV "Hương Xưa" (Ảnh: Zing)

Không chỉ Hồ Quỳnh Hương “thể nghiệm” với nhạc sến, rất nhiều ca sĩ trước đó đã ra rất nhiều album nhạc vàng như: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Cẩm Ly, Phương Thanh, Quang Dũng, Anh Thơ, Đức Tuấn… Trong đó, có Mr Đàm, Cẩm Ly và Lệ Quyên là những ca sĩ thành công khi thể hiện dòng nhạc này.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, vì sao nghệ sĩ lại bỗng dưng mặn mà với nhạc sến?

Có nhiều nguyên nhân để lí giải hiện tượng trên. Dòng nhạc bolero từ khi ra đời đến nay luôn tồn tại song song với dòng chảy âm nhạc Việt, cho dù xuất hiện nhiều xu hướng âm nhạc mới khi hội nhập với âm nhạc thế giới nhưng bolero vẫn có chỗ đứng riêng biệt trong lòng khán thính giả, đặc biệt ở lớp người cao tuổi, những người có tuổi trẻ gắn liền với dòng nhạc này.

Bolero tồn tại và giữ được giá trị là chính bởi tính “bình dân” của nó, bởi giai điệu và ca từ của hầu hết các ca khúc đều không có gì đột phá, thường là những câu chuyện về tình yêu, về cảm nhận xã hội, tâm tư tình cảm của con người. Cái hay của nhạc sến chính là ở chỗ nó biết cách “kể chuyện” rất duyên, thủ thỉ mà thấm thía, hợp với đại đa số tâm tư tình cảm của khán thính giả, vì thế mà bolero luôn luôn có vị trí trong tổng thể dòng chảy âm nhạc Việt.

Bolero bỗng từ sến thành sang – nên mừng hay lo?

trao luu borelo phai sen moi la sang
Ca sỹ Chế Linh trong đêm nhạc mới nhất của mình tại Việt Nam (Ảnh: Vietnamnet)

Từ sau khi sự quay trở về của rất nhiều nghệ sĩ hải ngoại chuyện “trị” dòng nhạc sến như Chế Linh, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Giao Linh, Như Quỳnh, Quang Lê… thì borelo bỗng trở thành một “món ăn” tinh thần thời thượng của công chúng Việt. Khi họ đã no nê với nhạc Pop Việt lai Hàn, bội thực với đủ thứ âm nhạc “thể nghiệm” từ thị trường đến nghệ thuật trong hầu hết các chương trình được phát sóng trên truyền hình thì borelo bỗng trở thành một “món” thuần chất Việt trong đời sống âm nhạc. Độ “hot” của nhạc vàng được minh chứng ở những đêm diễn của các ngôi sao hải ngoại luôn cháy vé, những ca khúc nhạc vàng bắt đầu được lên sóng truyền hình và được tung hô không kém những dòng nhạc khác, thậm chí ăn theo thị hiếu khán giả, chương trình “Song ca cùng bolero” ra đời và thu hút được sự chú ý quan tâm của dư luận.

Nhận thấy thị trường tiềm năng của nhạc sến, các ca sĩ bắt đầu đua nhau ra album để đáp ứng thị hiếu của khán giả.

Hiện tượng này giống hầu hết các xu hướng âm nhạc mà các ca sĩ Việt từng chạy theo như: hip hop, dân gian đương đại, R&B, Chillout, EDM (âm nhạc được tạo ra từ các thiết bị điện tử)… một thời gian rồi “chết yểu”.

trao luu borelo phai sen moi la sang
Nhạc sỹ Quốc Trung đã có phát ngôn rất thẳng thắn về trào lưu nghệ sỹ hát borelo

Sự “lên đời” của bolero chứng tỏ thị trường âm nhạc của Việt Nam đang thực sự “có vấn đề”. Bởi nói theo nhạc sĩ Quốc Trung thì “ Âm nhạc hay nghệ thuật là bộ mặt của xã hội, nó gắn liền với lịch sử và tâm lý con người của xã hội đó. Sự mất mát, chia ly trong thời chiến cùng với lịch sử văn hoá nghệ thuật dân gian đã tạo nên những dòng nhạc mà đa phần là những ca khúc uỷ mị, thê lương trước đây.

Nó có chỗ đứng trong lịch sử và sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam nhưng nếu nó vẫn chiếm đa phần và lấn át trong đời sống âm nhạc đó là điều nguy hiểm không chỉ cho âm nhạc mà còn cho cả xã hội. Nó biểu hiện cho sự bế tắc, lười biếng chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ”.

Đề cập tới những nghệ sĩ trẻ đang chạy theo thị hiếu khi liên tục cho ra mắt những album nhạc sến, nhạc sĩ Quốc Trung không ngại bày tỏ quan điểm thẳng thắn: “Đó là làm màu, lười sáng tạo, chộp giật. Không phải họ không đủ trải nghiệm mà đời sống ngày nay làm sao có thể có những trải nghiệm giống như xưa được. Muốn họ hiểu cần hiểu họ và cần cả sự tin tưởng và tôn trọng họ. Truyền thống của chúng ta vẫn còn nhiều sự áp đặt và tạo ảnh hưởng, chưa chuyển giao và tạo bệ phóng cho lớp trẻ. Đó chính là biểu hiện rõ nhất. Thị trường âm nhạc cần lành mạnh để kích thích sự sáng tạo. Có điều đó mới mong có những nghệ sĩ dấn thân và tìm tòi sáng tạo được”.

chọn
[Photostory] Một doanh nghiệp sắp làm dự án nhà ở trên khu đất 2,7 ha cạnh Vinhomes Smart City
Dự kiến từ tháng 5/2024, Confitech sẽ bắt đầu GPMB để triển khai xây dựng Khu nhà ở Tây Mỗ tại quận Nam Từ Liêm để hoàn thành vào tháng 12 năm nay. Khu đất dự án này có quy mô 2,7 ha, nằm tiếp giáp khu liền kề của Vinhomes Smart City