Tại sao trẻ 1-3 tuổi có hành vi hung hăng?
Những hành vi hung hăng như thích đánh, cấu, cắn, ném đồ vật…ở trẻ 1-3 tuổi là những hành vi bình thường trong hành trình phát triển của trẻ. Đây có lẽ là tin gây sốc với phần đông bố mẹ và người chăm sóc trẻ, bởi chúng ta đều cho rằng những hành vi trên là hành vi sai trái. Theo trang Babycenter, trẻ 1-3 tuổi hung hăng do mới nắm bắt được các kỹ năng ngôn ngữ, kèm theo mong muốn được trở thành cá thể độc lập nhưng lại chưa biết kiểm soát hành vi.
Trẻ 1-3 tuổi hung hăng là bình thường. (Ảnh: Babycenter) |
Nadine Block, người sáng lập Trung tâm Kỷ luật Hiệu quả ở Columbus, Ohio cho biết: "Một số mức độ đánh và cắn là hoàn toàn bình thường đối với trẻ mới biết đi".
Tuy nhiên, không có nghĩa là bố mẹ và người chăm sóc trẻ được phép bỏ qua. Nên cho trẻ biết rằng các hành vi đó không được chấp nhận và chỉ cho trẻ những cách khác để thể hiện cảm xúc.
Bố mẹ nên làm gì?
Mắng mỏ, trừng phạt, đánh đòn, giải thích đều không giúp trẻ thay đổi hành vi hung hăng. Điều bố mẹ cần làm là đưa ra những gợi ý khác tích cực hơn. Nếu bố mẹ nổi cáu và không kiểm soát cơn giận trước những hành vi hung hăng của con, con sẽ càng tái diễn những hành vi đó với tần suất nhiều hơn. Bởi vậy muốn con học cách kiềm chế bản thân, bố mẹ hãy làm gương cho con trước.
Đưa ra giới hạn rõ ràng
Phản ứng ngay lập tức khi con có hành vi hung hăng với người khác. Tách con ra khỏi bạn của con/ người bị đánh. Đồng thời cho con thời gian để bình tĩnh trở lại. Ở độ tuổi này, trẻ có thể nhận thức được hành vi với hậu quả và nhận ra rằng ngay khi trẻ đánh/cắn/cấu người khác, trẻ sẽ bị tách ra khỏi hành vi đó ngay.
Khuyến khích những hành vi tốt
Đừng chỉ chú ý và can thiệp khi con có hành vi xấu. Mà ngay cả với những hành vi tốt, bố mẹ cũng cần khuyến khích và khích lệ con. Khi con biết chờ đến lượt chơi cầu trượt thay vì đẩy bạn, hãy khen con rằng “Ồ con thật kiên nhẫn vì biết chờ đến lượt chơi. Con không hề đẩy bạn. Con cư xử thật lịch sự…”
Giúp trẻ hiểu mối quan hệ nhân quả
Khi con chơi trong nhà bóng, nếu thấy con bắt đầu cầm bóng và ném liên tiếp và các bạn khác, hãy đưa con ra khỏi nhà bóng. Chú ý nói rõ ràng, nhưng thái độ bình tĩnh. Khi cùng con ngồi bên ngoài và xem những trẻ khác chơi, giải thích cho con rằng con có thể vào nhà bóng chơi tiếp nếu con sẵn sàng chơi mà không làm đau bạn khác.
Kỷ luật nhất quán
Phản ứng của bố mẹ với các hành vi hung hăng của trẻ cần nhất quán và giống nhau. Điều này sẽ thiết lập một mô hình kỷ luật cho trẻ. Dần dần trẻ học được rằng, nếu trẻ làm điều này, trẻ sẽ nhận hậu quả như sau.
Tiếp xúc nhiều với màn hình điện thoại, máy tính bảng cũng khiến trẻ có xu hướng cư xử hung hăng hơn. (Ảnh: Parenting) |
Gợi ý những cách thể hiện cảm xúc thay thế
Cần chờ đến khi con bình tĩnh trở lại. Sau đó hỏi con có muốn giải thích hoặc nói về sự tức giận của con không. Bố mẹ nên nhấn mạnh rằng tức giận là cảm xúc tự nhiên và bình thường nhưng biểu hiện sự tức giận bằng cách đánh người khác là hành vi không được phép. Gợi ý con những cách giải tỏa sự tức giận như hét lên, nói chuyện với bố mẹ…Ngoài ra, khuyến khích con nói lời xin lỗi khi con có hành vi sai. Có thể mới đầu con sẽ không hợp tác, nhưng dần dần nó sẽ trở thành một thói quen.
Giới hạn thời gian tiếp xúc với tivi và các thiết bị điện tử
Trẻ sẽ gia tăng hành vi hung hăng nếu thường xuyên tiếp xúc với tivi và các thiết bị điện tử vốn nhiều nội dung bạo lực. Một số nghiên cứu cho thấy thời gian tiếp xúc với các thiết bị này có liên quan đến một số hành vi của trẻ sau này. Một số chuyên gia lo ngại chúng cũng cản trở sự phát triển về mặt xã hội và tình cảm của trẻ em.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, không cho trẻ dưới 18 tháng tuổi tiếp xúc với tivi và các thiết bị khác như điện thoại, máy tính bảng.
Với trẻ trên 18 tháng tuổi, thời gian sử dụng các thiết bị này không quá 1 tiếng mỗi ngày và cần kiểm soát nội dung chặt chẽ.
Tạo cơ hội cho con chạy nhảy, vui chơi
Trẻ có nhu cầu vui chơi, chạy nhảy, bởi thế hãy cho con ra ngoài để đốt cháy năng lượng. Nếu cứ nhốt chúng mãi ở nhà, không sớm thì muộn chúng cũng sẽ biến thành “giặc”, nghịch ngợm và quậy phá mọi người.
XEM THÊM
Con bị bắt nạt, tranh giành đồ chơi, bị so sánh: Giải quyết thế nào?
Con bị bắt nạt, con hay bị so sánh, con giữ khư khư đồ chơi, con hay đánh người khác..., các vấn đề này bố ... |
Trẻ học được gì qua những lần đòn roi của bố mẹ?
Khi bố mẹ đánh trẻ, trẻ hiểu rằng việc dùng bạo lực với người khác là hành vi chấp nhận được. |
‘Bạo lực không phải là giáo dục, bạo lực là bất lực, giận dữ và đau đớn’
Qua bạo lực thể chất và tinh thần, qua những gì mà chúng ta thực hành hàng ngày, chúng ta dạy con rằng bạo lực ... |
Trẻ nghịch ngợm, ném đồ đạc, đánh người khác: Xử trí ra sao?
Đặng Nam Phương – mẹ của hai cô công chúa Bư và Siêu Tăm hiện đang làm mẹ toàn thời gian và theo đuổi “unschooling” ... |