Triển khai dự án Vành đai 3 TP HCM - cần sự vào cuộc như thế nào?

Việc triển khai dự án Vành đai 3 TP HCM đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TP HCM. (Nguồn ảnh: Baochinhphu).

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tính cấp bách của dự án, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, tập trung lãnh đạo; chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án với quyết tâm chính trị cao nhất; coi trọng sự đồng thuận xã hội và lợi ích của người dân trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án. 

Đây là những yêu cầu được Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nêu rõ trong Chỉ thị số 18-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 trên địa bàn thành phố vừa được ban hành.

Chỉ thị nêu rõ, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM là một trong những dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022, với yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác toàn bộ dự án năm 2026.Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TP HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với tầm quan trọng của dự án, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo triển khai kịp thời, nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, liên thông trong việc xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai dự án và Kế hoạch chi tiết triển khai các dự án thành phần trên địa bàn TP HCM; thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp các địa phương có tuyến đường đi qua.

Thành phố chuẩn bị đủ nguồn quỹ đất ở, nhà ở tái định cư tại địa bàn phục vụ cho công tác bồi thường, tái định cư đạt hiệu quả cao nhất; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát các Đồ án quy hoạch có liên quan đến dự án Vành đai 3 trên địa bàn để đề xuất cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện dự án; đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng các quỹ đất vùng phụ cận, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội thành phố lãnh đạo hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể các địa phương liên quan tổ chức phối hợp đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với chính quyền thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng cho dự án; tăng cường công tác giảm sát, phản biện xã hội, kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp trong chính sách, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như trong quá trình triển khai thi công dự án để kiến nghị giải quyết.

Theo Chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để tham mưu, đề xuất các cơ chế khuyến khích cán bộ, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư năng động, sáng tạo trong việc giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến dự án, chủ động tìm tòi, áp dụng những sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả cho dự án Vành đai 3 TP HCM.

Theo Nghị quyết số 57/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM của Quốc hội, tuyến đường này dài khoảng 76,34 km, đi qua TP HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Dự án được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng.Về tiến độ thực hiện, Nghị quyết quy định chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.