Thị trường chứng khoán toàn cầu đã bật tăng sau thông tin rằng một loại vắc xin Covid-19 từ hãng dược Mỹ Pfizer và công ty Đức BioNTech có hiệu quả phòng bệnh tới 90%.
Trong phiên giao dịch 10/11, chỉ số Nasdaq đi xuống trong khi Dow Jones tiếp tục tăng mạnh. Tại châu Âu, cổ phiếu công nghệ sụt giảm trong khi nhóm ngân hàng thăng hoa, củng cố niềm tin của giới phân tích rằng thị trường sẽ tiếp tục chuyển dịch từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị.
Bà Suni Harold, Chủ tịch UBS Asset Management nói với CNBC rằng 2021 vốn được dự kiến là một năm then chốt giữa sự không chắc chắc về đại dịch tái bùng ở nhiều nước và triển vọng về gói kích thích tại Mỹ. Tuy nhiên, thông tin về vắc xin Covid-19 "đã thay đổi mọi thứ".
"Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong thời gian dài, một số người cho rằng giá cổ phiếu đã tăng quá cao khi xét rằng mối nguy Covid-19 vẫn còn hiện hữu".
"Nhưng vắc xin mới và khả năng nó được tung ra trong năm sau đã giúp triển vọng 2021 trở nên sáng sủa hơn rất nhiều", bà Harold nói.
Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management cũng có nhận định tương tự bà Harold. Ông cho biết phản ứng của thị trường chứng khoán Mỹ cho đến nay hỗ trợ cho thông điệp gần đây của UBS là "nhà đầu tư cần tăng cường đa dạng hóa, hướng đến các cổ phiếu theo chu kì, rời bỏ cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và những cổ phiếu từng hưởng lợi từ đại dịch".
Ông Emmanuel Cau, trưởng bộ phận chứng khoán châu Âu của Barclays nói rằng chiến thắng của ông Joe Biden và và thông tin tích cực về vắc xin đã làm giảm đáng kể hai rủi ro đuôi lớn nhất đối với thị trường, mang tới triển vọng tốt đẹp cho cổ phiếu giá trị.
"Việc hai nguồn gốc lớn nhất của sự không chắc chắn được loại bỏ có thể thúc đẩy nhà đầu tư chuyển dịch từ các tài sản trú ẩn an toàn, trái phiếu, tiền mặt, cổ phiếu tăng trưởng sang các tài sản rủi ro hơn".
Chủ tịch Harford của UBS thận trọng hơn và nói rằng vẫn còn phải xem xét thêm nhiệm kì của ông Biden sẽ ảnh hưởng thế nào đến đồng USD, nước Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Hiệu quả phòng bệnh 90% từ vắc xin Covid-19 được sản xuất bởi Pfizer và BioNTech cao hơn nhiều kì vọng 60-70% của các nhà phân tích. Thậm chí vắc xin cúm mùa thông thường cũng chỉ đạt mức độ hiệu quả khoảng 40-60%, bà Tara Raveendran, trưởng bộ phận nghiên cứu khoa học đời sống tại Shore Capital cho biết.
Bà Raveendran lưu ý rằng thông báo mới nhất mới chỉ là "tin tức nóng hổi", tương lai sẽ cần có thêm nhiều chi tiết hơn, ví dụ như tính an toàn trong lâu dài, hiệu quả đối với người già và người dễ bị tổn thương …
Sản phẩm của Pfizer và BioNTech là vắc xin mRNA. Loại vắc xin này thường không ổn định và cần được vận chuyển trong các thùng chuyên dụng ở nhiệt độ dưới -70% độ C, sau đó bảo quản trong tủ lạnh trong tối đa 5 ngày.
Do đặc tính trên, bà Raveendran gợi ý rằng ban đầu vắc xin nên được chuyển số lượng lớn tới các phòng khám vắc xin hoặc bệnh viện, ưu tiên cho nhân viên y tế và những đối tượng dễ bị mắc triệu chứng nặng bởi Covid-19.
"Pfizer cho biết họ có thể sản xuất đủ vắc xin cho 25 triệu người vào cuối năm 2020 và mở rộng qui mô đó lên 1,3 tỉ liều vào năm 2021. Mỗi người cần được tiêm hai liều, nghĩa là tới năm 2021 sẽ có khoảng 650 triệu người được tiêm vắc xin".
"Do vậy phải đến giữa năm sau chúng tôi mới có thể xem xét bất kì hình thức tiêm chủng qui mô lớn nào".