Trình hai phương án mở rộng Quốc lộ 9 qua Quảng Trị bằng vốn ODA

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết vừa trình Bộ Giao thông Vận tải hai phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn nối cảng Cửa Việt với quốc lộ 1 thuộc tỉnh Quảng Trị.
Trình hai phương án mở rộng Quốc lộ 9 qua Quảng Trị bằng vốn ODA - Ảnh 1.

Quốc lộ 9 đoạn qua thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. (Ảnh: TTXVN).

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến quốc lộ 1 sử dụng vốn dư của dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Dự kiến khởi công tháng 3/2022, hoàn thành vào tháng 12/2022.

“Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến tuyến quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giúp tăng cường năng lực vận tải, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Dự án có quy mô đường cấp II đồng bằng, 4 làn xe với tổng chiều dài tuyến khoảng 13,8 km. Điểm đầu Km0+00 tại cảng Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Điểm cuối Km13+800 giao với quốc lộ 1 tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ.

Về nguồn vốn đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tổng vốn đầu tư dự án hơn 19 triệu USD, tương đương hơn 440 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay WB gần 17 triệu USD, tương đương hơn 387 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 53 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn đảm bảo tiến độ thi công dự án trong năm 2021 - 2022.

Dự án được Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình thiết kế theo hai phương án. Phương án 1 theo tiêu chuẩn của đường cấp II với vận tốc 100 km/h. Bên cạnh đó sẽ xây dựng mới 7 cầu đáp ứng theo quy mô đường cấp II đồng bằng. Tổng mức đầu tư của phương án 1 là gần 600 tỷ đồng.

Phương án 2, châm chước bán kính đường cong nhằm tận dụng tối đa nền mặt đường, các công trình hiện hữu, giảm thiểu tối đa giải phóng mặt bằng. Đối với 7 cầu, phương án này chỉ xây dựng mới một đơn nguyên cầu, kết hợp tận dụng cầu cũ. Tổng mức đầu tư của phương án này chỉ 440 tỷ đồng.

Để đảm bảo phù hợp với nguồn vốn, tận dụng tối đa các công trình trên tuyến, hạn chế giải phóng mặt bằng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến quốc lộ 1, sử dụng vốn dư của dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam vay vốn Ngân hàng Thế giới theo phương án 2.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.