Quảng Trị muốn chuyển đổi nguồn vốn làm quốc lộ 9

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ Cảng Cửa Việt đến quốc lộ 1 có chiều dài khoảng 14 km, với tổng mức đầu tư khoảng 440 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới. Dự án hiện đang tạm dừng thi công do Ngân hàng Thế giới không gia hạn thời gian thực hiện hiệp định.

Một đoạn quốc lộ 9 qua tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, ngày 14/3, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam để giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 (QL9) đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1.

Dự án nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ Cảng Cửa Việt đến QL1 sử dụng vốn dư Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB), với tổng mức vốn đầu tư dự án là 19 triệu USD, tương đương 440 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2021 - 2022.

Dự án có điểm đầu từ Cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) và điểm cuối là nơi giao nhau với Quốc lộ 1 tại Km 754 + 042, Ngã Tư Sòng (xã Thanh An, huyện Cam Lộ), tổng chiều dài là 14 km. Quy mô đường cấp II, 4 làn xe; tổng bề rộng nền đường 28 m, không bao gồm phần hè đường.  

Trong năm 2022, dự án này mới triển khai thi công đắp đất nền đường một số đoạn và 2 cầu Bến Lội, Tân Xuân. Ngày 12/1, Ngân hàng Thế giới đã chính thức có ý kiến về việc không gia hạn thời gian thực hiện hiệp định và hiện nay dự án đang dừng thi công. Hiện tại, các hạng mục của dự án đang thi công dở dang, tiềm ẩn nguy cơ về an toàn giao thông, chưa phát huy được nguồn vốn đã đầu tư.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, chủ đầu tư đã trao đổi về những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; đánh giá về phạm vi, quy mô dự án được duyệt so với kinh phí giải phóng mặt bằng; công tác bàn giao tài sản thuộc phạm vi dự án cho địa phương…, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm xem xét, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) phương án gia hạn thực hiện dự án bằng nguồn vốn trong nước.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, các hạng mục của dự án đang triển khai dở dang nếu không được tiếp tục gia hạn thực hiện sẽ gây lãng phí nguồn vốn đã đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng cũng như khối lượng xây lắp đã thực hiện, ảnh hưởng đến công tác quản lý, thực hiện đầu tư đối với các dự án khác của địa phương.

Do vậy, UBND tỉnh đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án bố trí nguồn vốn từ trong nước để tiếp tục triển khai dự án. Sau khi dự án được tiếp tục thực hiện, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, công việc tiếp theo theo đúng quy định hiện hành.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh phạm vi, quy mô dự án phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra và thống nhất với chủ trương, chính sách của trung ương và của tỉnh.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất phương án đề xuất Bộ GTVT gia hạn thực hiện dự án bằng nguồn vốn trong nước. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh có báo cáo cụ thể bằng văn bản về quá trình triển khai thực hiện dự án, kế hoạch bố trí kinh phí, bàn giao mặt bằng chi tiết.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.