Trúng hai dự án TTTM hơn 11.000 tỷ trong vài ngày, năng lực của Tập đoàn Việt Phát tới đâu?

Lần lượt trong hai ngày 26/12 và 29/12/2023, Tập đoàn Việt Phát đã được chấp thuận nhà đầu tư dự án TTTM hơn 6.000 tỷ tại TP Biên Hoà và trúng đấu giá khu đất làm TTTM hơn 5.000 tỷ tại TP Hạ Long.

Tháng 9/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ‏‏phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư Dự án Trung tâm thương mại nằm trên đường Đặng Văn Trơn, phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa.

‏Dự án này có quy mô tổng diện tích đất hơn 11,66 ha; tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 244.190 m2 (không bao gồm công trình phụ trợ nằm ngoài tòa nhà); chiều cao công trình không quá 60 m; không vượt quá 8 tầng, có 1 tầng hầm; mật độ xây dựng không quá 60%. ‏Ngoài ra, diện tích đất xây dựng 3 tuyến đường xung quanh là hơn 15.600 m2, diện tích đất xây dựng trung tâm thương mại là gần 101.000 m2.‏

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án khoảng hơn 6.111 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng dự kiến gần 3.309 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự kiến gần 2.254 tỷ đồng. ‏

‏Tỉnh này yêu cầu nhà đầu tư muốn tham gia đấu thầu dự án cần thu xếp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 1.222 tỷ đồng. Đồng thời, cần có kinh nghiệm là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính tối thiểu 1 dự án theo yêu cầu của tỉnh. 

Đến tháng 11/2023, Sở Kế hoạch và đầu tư Đồng Nai đã công bố nhà đầu tư duy nhất đăng ký là CTCP Tập đoàn Việt Phát.

Thông tin người viết có được, ngày 26/12/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận nhà đầu tư dự án đối với Việt Phát.

Phối cảnh một dự án của nhóm Việt Phát. (Ảnh: Việt Phát).

Vài ngày sau, 29/12/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định công nhận Tập đoàn Việt Phát là đơn vị trúng đấu giá khu đất thực hiện Dự án Trung tâm thương mại tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long với giá trúng là hơn 764 tỷ đồng, đúng bằng giá khởi điểm. Đơn giá thuê đất trúng đấu giá là 8,3 triệu đồng/m2.

Sáng ngày 1/1 vừa qua, Trung tâm Thương mại TP Hạ Long đã được khởi động với tổng diện tích quy hoạch hơn 13 ha. Trong đó, diện tích quy hoạch trung tâm thương mại là 9,1 ha. Diện tích đầu tư hạ tầng giao thông đấu nối là 3,92 ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 5.200 tỷ đồng. Tại dự án này, Việt Phát và Công ty TNHH AEON Việt Nam cùng hợp tác phát triển.

Như vậy, chỉ trong vài ngày, hai dự án bất động sản với tổng giá trị đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng đã chính thức về tay Tập đoàn Việt Phát.

Theo tìm hiểu của người viết, Tập đoàn Việt Phát được thành lập vào tháng 12/2018 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trụ sở ban đầu tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tính đến ngày 19/7/2023, Việt Phát có vốn điều lệ là 1.768 tỷ đồng, trụ sở tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP HCM.

Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật hiện nay của Việt Phát là bà Nguyễn Thị Ngọc - người đang đồng thời đứng tên tại một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sun Han, CTCP Thương mại Phát triển Sài Gòn 268, CTCP Đầu tư Sài Gòn Mia và CTCP Đầu tư LBM Sài Gòn.

Trong đó, Sài Gòn Mia và Sài Gòn 268 được biết đến là những doanh nghiệp đầu tư vào Khu đô thị Happy Home 194 ha tại TP Cà Mau, tổng mức đầu tư 1.352 tỷ đồng. Nói thêm về Sài Gòn 268, doanh nghiệp này từng là thành viên của CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (mã chứng khoán: TNA).

Trở lại thời điểm mới thành lập, lúc đó Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Việt Phát là ông Mai Quang Hợp, người từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc tại CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (mã chứng khoán: VPG).

Một báo cáo công bố ngày 19/1 mới đây của VPG cho thấy, Tập đoàn Việt Phát là doanh nghiệp có liên quan đến dàn lãnh đạo của VPG, bao gồm Chủ tịch Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Thanh Lệ.

Nói thêm về VPG, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2008 với lĩnh vực kinh doanh chính chủ yếu là vận tải nội địa. Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt của VPG khi doanh nghiệp lần đầu lấn sân sang bất động sản thông qua gói thầu san lấp phía ngoài đê tả sông Cấm đến trục chính Đông Tây.

Trong lĩnh vực BĐS, hiện nay VPG đang đầu tư 5 dự án tại TP Hải Phòng và Hà Nội, theo báo cáo thường niên 2022 của doanh nghiệp. Đầu tiên là khu nhà ở thương mại tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân (tên thương mại là Việt Phát South City) với quy mô hơn 2,4 ha, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, bao gồm 174 căn nhà thấp tầng. Dự án này doanh nghiệp hợp tác đầu tư cùng CTCP Kosy (mã chứng khoán KOS).

Tiếp đến là dự án Bắc Sông Cấm với quy mô khoảng 76,5 ha; dự án Cảng thủy nội địa Việt Phát tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, Hải Dương với quy mô gần 10 ha, tổng mức đầu tư 257 tỷ đồng; CCN Đò Nống tại An Dương, Hải Phòng (47 ha, 660 tỷ đồng); toà nhà số 2 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; dự án phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị tại 80 Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng (800 tỷ đồng).

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.