CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tiên Thanh tại các xã Cấp Tiến và Tiên Thanh, TP Hải Phòng. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là CTCP Môi trường và Xây dựng Long Giang.
KCN Tiên Thanh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022. Tháng 3 vừa qua, Quy hoạch chung TP Hải Phòng đã được phê duyệt điều chỉnh, phân khu xây dựng KCN Tiên Thanh cũng đồng thời được điều chỉnh.
KCN Tiên Thanh có quy mô khoảng 410,5 ha. Phía bắc giáp khu ruộng và khu dân cư xã Tiên Thanh; phía nam giáp mương thuỷ nông thuộc xã Cấp Tiến; phía đông giáp khu ruộng của 2 xã Tiên Thanh và Cấp Tiến; phía tây giáp sông Thái Bình.
Vị trí này cách quốc lộ 10 khoảng 2 km; cách ĐT354 khoảng 3 km; cách đường cao tốc ven biển khoảng 12 km.
Về hiện trạng, khu đất thực hiện dự án hiện nay chủ yếu là đất trồng lúa, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất trồng và đất giao thông, kênh mương nội đồng. Tại đây không có các đối tượng nhạy cảm môi trường. Để thực hiện dự án sẽ phải chuyển đổi gần 195 ha đất trồng lúa.
Về tính chất, KCN Tiên Thanh được quy hoạch là KCN tổng hợp đa ngành, công nghiệp sạch, công nghệ cao, ít gây ô nhiễm. Quy mô lao động tại dự án khoảng 25.000 người.
Trong cơ cấu sử dụng đất, đất công nghiệp chiếm hơn 289 ha; đất cây xanh mặt nước hơn 60 ha; đất giao thông gần 45 ha; còn lại là trung tâm điều hành, dịch vụ, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật...
Các khu chức năng của KCN Tiên Thanh được thiết kế theo dạng tuyến, kết nối với giao thông đối ngoại là tuyến đường từ ĐT354 huyện Tiên Lãng đến Quốc lộ 10 Vĩnh Bảo bằng 2 nút giao chính và 1 nút giao phụ.
Khu trung tâm điều hành, dịch vụ được bố trí ở phía bắc dự án (tiếp giáp ĐT354 đến quốc lộ 10), là điểm nhấn kiến trúc của toàn khu. Mật độ xây dựng của hạng mục này là 50%, chiều cao tối đa 7 tầng.
Các lô đất xây dựng nhà máy, kho tàng tại dự án được bố trí dọc các tuyến đường nội bộ. Mật độ xây dựng tối đa của từng lô đất không vượt quá 70%. Các khu cây xanh cách ly kết hợp hồ điều hoà và tuyến mương thoát nước được bố trí xung quanh bên trong tường rào, tạo nên vành đai xanh cách ly dự án, đồng thời có chức năng thoát nước mưa, tạo cảnh quan.
Trong khu vực quy hoạch có một chùa ở xã Tiên Thanh, một chùa và đình làng ở xã Cấp Tiến, phần diện tích các chùa sẽ được giữ nguyên hiện trạng kết hợp với cây xanh tạo thành di tích trong KCN.
Việc thu hồi đất để thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến 2.147 hộ dân (trong đó xã Tiên Thanh 1.440 hộ và xã Cấp Tiến 707 hộ). Số hộ bị thu hồi đất ở khoảng 231 hộ, phải di dời đến nơi ở mới.
Đối với người dân bị thu hồi đất ở và công nhân lao động trong KCN, UBND huyện Tiên Lãng đang có chủ trương đầu tư xây dựng khu đô thị Tiên Thanh với diện tích khoảng 16 ha, nằm liền kề với KCN, tính chất là khu nhà ở phục vụ dự án.
Tổng mức đầu tư của KCN Tiên Thanh là 4.597 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 919 tỷ đồng và vốn huy động là 3.678 tỷ đồng.
Về tiến độ, giai đoạn quý I/2023 - quý III/2023 dự án sẽ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục giao đất, cho thuê đất. Từ quý IV/2023 đến quý IV/2024 sẽ thi công xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Từ quý IV/2024 có thể bắt đầu cho thuế đất/nhà xưởng tại dự án.
Về chủ đầu tư, CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Tiên Thanh được thành lập vào tháng 8/2020, có trụ sở tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của KCN Tiên Thanh hiện nay là ông Nguyễn Khôi, người đang đồng thời đứng tên tại CTCP Viện Công nghệ Tàu thuỷ Việt Nam.
KCN Tiên Thanh có nhiều mối liên hệ với CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (Việt Phát Group, mã chứng khoán: VPG), một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải nội địa có tiếng ở Hải Phòng.
Theo tìm hiểu của người viết, ông Nguyễn Khôi từng là Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Route Inn Việt Nam Hải Phòng. Thời điểm thành lập vào năm 2018, Route Inn Việt Nam Hải Phòng thuộc sở hữu của CTCP Xây dựng Bất động sản Việt Phát (Việt Phát Land) - doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Việt Phát Group.
Tại báo cáo thường niên năm 2022, Việt Phát Group cho biết bản thân ông Nguyễn Khôi cũng đang là Thành viên HĐQT của Việt Phát Group.
Nói thêm về Việt Phát Group, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2008 với lĩnh vực kinh doanh chính chủ yếu là vận tải nội địa. Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt của Việt Phát Group khi doanh nghiệp lần đầu lấn sân sang bất động sản thông qua gói thầu san lấp phía ngoài đê tả sông Cấm đến trục chính Đông Tây.
Tính đến ngày 31/12/2022, Việt Phát Group vó vốn điều lệ gần 802 tỷ đồng. Trong lĩnh vực BĐS, hiện nay Việt Phát Group đang đầu tư 5 dự án tại TP Hải Phòng và Hà Nội, theo báo cáo thường niên 2022 của doanh nghiệp.
Đầu tiên là khu nhà ở thương mại tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân (tên thương mại là Việt Phát South City) với quy mô hơn 2,4 ha, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, bao gồm 174 căn nhà thấp tầng. Dự án này doanh nghiệp hợp tác đầu tư cùng CTCP Kosy (mã chứng khoán KOS).
Tiếp đến là dự án Bắc Sông Cấm với quy mô khoảng 76,5 ha; dự án Cảng thủy nội địa Việt Phát tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, Hải Dương với quy mô gần 10 ha, tổng mức đầu tư 257 tỷ đồng; CCN Đò Nống tại An Dương, Hải Phòng (47 ha, 660 tỷ đồng); toà nhà số 2 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; dự án phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị tại 80 Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng (800 tỷ đồng).
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 15:11 | 15/01/2025
Chủ đầu tư 07:00 | 11/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Dự án 19:00 | 05/01/2025
Dự án 07:00 | 03/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025