Một doanh nghiệp muốn sáp nhập 2 dự án, tạo quỹ đất công nghiệp hơn 150 ha trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Lideco 1 hiện đang là chủ đầu tư của hai dự án công nghiệp ở Lạng Giang, Bắc Giang là KCN Tân Hưng 105 ha và CCN Tân Hưng 50 ha. Trong đó, KCN Tân Hưng dự kiến đi vào hoạt động từ quý III/2024 và sẽ sáp nhập với CCN Tân Hưng.

CTCP Lideco 1 vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tân Hưng, Bắc Giang. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Trung tâm Môi trường Công nghiệp.

Vào năm 2020, Lideco 1 đã được UBND tỉnh Bắc Giang cho phép khảo sát lập quy hoạch KCN Tân Hưng tại các xã Tân Hưng và Xương Lâm, huyện Lạng Giang. Đến tháng 11/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Cũng trong năm 2021, Lideco 1 đã được thẩm định ĐTM, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án. Tuy nhiên, do quá trình triển khai có phát sinh một số vướng mắc liên quan đến tuyến đường hiện trạng nối từ thôn Sông Cùng đi thôn Cầu Bài, đồng thời căn cứ vào nhu cầu của các khách hàng thứ cấp đăng ký thuê đất trong khu công nghiệp thì một số chỉ tiêu quy hoạch không còn phù hợp.

Do đó, Lideco 1 đã làm hồ sơ điều chỉnh lại quy hoạch, dẫn đến gia tăng lượng nước thải của dự án và phải lập ĐTM điều chỉnh.

Phối cảnh KCN Tân Hưng. (Ảnh chụp từ ĐTM dự án).

KCN Tân Hưng có diện tích hơn 105 ha. Phía bắc giáp với CCN Tân Hưng (đang triển khai thi công xây dựng); phía nam giáp với khu dân cư và ruộng lúa của thôn Quyết Thắng – xã Xương Lâm và thôn Sông Cùng xã Tân Hưng; phía đông giáp với đất ruộng của xã Tân Hưng và tuyến đường theo quy hoạch chung của huyện Lạng Giang; phía tây giáp với tuyến đường gom cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. 

Khu vực thực hiện dự án cách thị trấn Vôi 3 km về phía tây, cách thị trấn Kép 5 km về phía bắc, cách thị trấn Tân Dân 5 km về phía nam và cách TP Bắc Giang 10 km về phía tây nam. Khu vực xung quanh dự án có Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Quốc lộ 1A, QL37 và ĐT295 (trục hành lang kinh tế liên tỉnh).

Về hiện trạng, khu đất nghiên cứu thực hiện dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, chiếm khoảng 92% diện tích. Còn lại là đất giao thông, đất ở, nghĩa trang, mặt nước... Tại đây có khoảng 50 ngôi mộ cần di dời.

Các công trình nhà ở trên khu đất chủ yếu là nhà 1 tầng và nhà tạm dọc theo các tuyến đường đất, Khu vực nhà ở nằm chủ yếu ở trung tâm khu. Chất lượng nhà ở trong khu vực quy hoạch không cao, đa số là nhà bán kiên cố và nhà tạm.  

Phần lớn diện tích khu vực nghiên cứu là đất ruộng trũng với cao độ từ 5,5 - 7 m, thường bị ngập úng vào mùa mưa gây khó khăn cho việc xây dựng, cần tính đến giải pháp san nền hợp lý. 

Trong cơ cấu quy hoạch sử dụng đất, đất xây dựng nhà máy xí nghiệp chiếm 73,6 ha; đất cây xanh, mặt nước 14 ha; đất hành chính dịch vụ 0,72 ha; đất khu kỹ thuật 1,5 ha; đất giao thông, bãi đỗ xe 15,4 ha.  

Vị trí của KCN Tân Hưng nhìn từ bản đồ quy hoạch sử dụng đất. (Ảnh chụp từ ĐTM dự án).

Về các hạng mục, mật độ xây dựng thuần của các lô đất xây dựng nhà máy, kho tàng tại dự án tối đa là 70%. Đối với các lô đất xây dựng nhà máy có 02 sàn sử dụng để sản xuất, mật độ xây dựng thuần tối đa là 70%. Mỗi lô nhà máy đều tiếp giáp với hệ thống đường nội bộ cũng như hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Các nhà máy phát sinh nhiều bụi, khí được bố trí phía nam KCN gần khu vực xử lý nước thải và cách xa khu vực phát sinh tiếng ồn của các nhà máy cơ khí chế tạo, bao bì. Các nhà máy ít phát sinh ô nhiễm linh kiện điện tử, công nghiệp sạch, kho bãi được bố trí gần khu vực dân cư với hành lang cây xanh, mặt nước cách ly từ 50 m trở lên. 

Khu công trình hành chính dịch vụ tại giao của tuyến trục chính đông - tây và tuyến đường gom cao tốc, đường quy hoạch phía đông, xây dựng thành điểm nhấn kiến trúc, là biểu tượng cửa ngõ phía tây của KCN. Mật độ xây dựng tối đa 70%, cao tối đa 5 tầng.

Hệ thống thoát nước mưa tại KCN Tân Hưng được chia làm 3 lưu vực chính. Lưu vực phía bắc toàn bộ lưu lượng thoát nước mưa thu gom về kênh hở chạy song song với tuyến đường giao thông trục chính từ tây sang đông. Lưu vực phía nam thoát nước mưa ra kênh phía nam dự án. Lưu vực phía đông thoát về tuyến kênh phía nam sau đó đổ ra sông Lục Nam.  

Về tiến độ, công tác đấu thầu xây lắp, thực hiện thi công công trình tại KCN Tân Hưng sẽ triển khai trong giai đoạn quý II/2022 - quý II/2024. Từ quý III/2024 dự án sẽ được nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng. 

Tổng mức đầu tư của dự án này là 1.185 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 281 tỷ đồng, chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 904 tỷ đồng. 

Phải thu hồi đất của 746 hộ dân

Công trình Trạm xử lý nước thải KCN Tân Hưng đang thi công. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang).

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang hồi tháng 3, đại diện Lideco 1 cho biết, khu đất thực hiện KCN Tân Hưng có liên quan đến 752 hộ dân thuộc địa bàn hai xã Tân Hưng và Xương Lâm. 

Tính đến nay, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng 104,72 ha của 745/746 hộ, diện tích còn lại theo quy hoạch được duyệt là hơn 5.762 m2 đất tại xã Xương Lâm. 

Tính đến ngày 10/2, doanh nghiệp đã khắc phục những khó khăn về mặt bằng, nguồn cấp đất và các vấn đề khác có liên quan để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cụ thể, triển khai thi công 6/10 tuyến đường nội bộ KCN; san nền 5/12 lô đất; khởi công xây dựng Trạm xử lý nước thải, dự kiến hoàn thành vào quý II/2023; hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, trình Sở Xây dựng thẩm định ngày 31/1.

Về công tác lập hồ sơ chuyển mục đích và thuê đất để thực hiện dự án, UBND tỉnh đã chuyển mục đích và cho chủ đầu tư thuê đất 2 đợt với diện tích là 100 ha. Ngày 20/2 vừa qua, chủ đầu tư đã phối hợp trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ chuyển mục đích và thuê đất đợt 3 với diện tích 3,85 ha.

Lideco 1 muốn sáp nhập 2 dự án công nghiệp

Cũng trong buổi làm việc hồi tháng 3, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và phía Lideco 1 đã trao đổi về việc sáp nhập CCN Tân Hưng vào KCN Tân Hưng.

Phía địa phương cho biết, ngày 14/3, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tham gia ý kiến thẩm định về hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự á CCN Tân Hưng thành dự án KCN Tân Hưng I, tỉnh Bắc Giang.

Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xúc tiến các thủ tục để sáp nhập CCN Tân Hưng vào KCN Tân Hưng, tạo điều kiện xây dựng hệ sinh thái hoàn thiện trong KCN. 

Theo tìm hiểu của người viết, CCN Tân Hưng có quy mô khoảng 50 ha, tổng mức đầu tư hơn 466 tỷ đồng. Như vậy, nếu 2 dự án này được sáp nhập, khu vực này sẽ có quỹ đất công nghiệp hơn 150 ha nằm trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. (Ảnh: Hoàng Huy).

Nói thêm về Lideco 1, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 11/2009, có địa chỉ tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Lideco 1 từng là công ty con của CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco, Mã: NTL).

Vào cuối năm 2014, HĐQT của Lideco đã có quyết định thoái toàn bộ phần vốn góp hơn 6,37 tỷ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ của Lideco 1.

Ở chiều ngược lại, Lideco 1 sẽ chuyển nhượng lại cho Lideco lượng tiền với đơn giá là 15.000 đồng/ cổ phần. Tổng giá trị chuyển nhượng bao gồm phần vốn hơn 9,56 tỷ đồng (tương ứng với 637.000 cổ phần) và cổ tức bằng tiền mặt năm 2014 tối thiểu 10%/cổ phiếu.

Tại thời điểm đăng ký thay đổi hồi tháng 3/2021, Lideco 1 tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Dương Quang Ánh.