Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang suy yếu, liệu 'đại bàng' có bay đi?

Vốn FDI đổ vào Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại do suy thoái nền kinh tế chung. Theo chuyên gia, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn duy trì nguồn cầu từ nhà đầu tư nhờ các lợi thế về lao động, dân số, sự phát triển cở sở hạ tầng...

Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang suy yếu. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy). 

Kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra, dòng vốn FDI bắt đầu chảy mạnh về Việt Nam. Đây là điều đã được dự báo từ trước khi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) lần lượt ra đời, đi kèm làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, xu hướng này đang có dấu hiệu chậm lại. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký kể từ đầu năm chỉ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ.

Chứng khoán VNDirect phân tích, dòng vốn FDI vào Việt Nam suy yếu do các kế hoạch đầu tư mới và mở rộng sản xuất bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều bất ổn, bao gồm: tăng trưởng toàn cầu chậm lại, lạm phát cao đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng và thanh khoản thị trường tài chính thắt chặt do FED tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút vốn FDI đang dần suy yếu so với các quốc gia khác trong khu vực.

Ở Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia nhận được nhiều vốn FDI nhất. Nếu như Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử thì Indonesia lại hướng đến phát triển chuỗi cung ứng xe điện. Do tiềm năng về thu hút vốn đầu tư FDI của hai ngành này trong các năm tới tiếp tục tăng cao, các nước trong khu vực đã tích cực đẩy mạnh hút vốn FDI cho sản xuất xe điện, bao gồm cả sản xuất pin, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện. 

Tuy nhiên, Việt Nam đang chậm hơn so với các nước khác trong xu hướng này, khiến cho Việt Nam có thể bị giảm sức hấp dẫn trong việc thu hút dòng vốn FDI.

Không nên quá lo lắng

Dưới góc nhìn của ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công Nghiệp, Savills Việt Nam, tình hình FDI năm 2023 có thể chậm lại do suy thoái kinh tế, tuy nhiên thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn duy trì nguồn cầu từ nhà đầu tư nhờ các lợi thế về lao động, dân số, sự phát triển cở sở hạ tầng, ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.

"Thị trường bất động sản Việt Nam đang được hưởng lợi từ những ưu thế đến từ quá trình mở cửa biên giới, tỷ giá Việt Nam đồng ổn định và mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn.

Trước thực tế các công ty đa quốc gia vẫn đang tìm cách đa dạng hoá khu vực hoạt động hoặc di dời ra khỏi Trung Quốc, thị trường bất động sản công nghiệp Việt đang phát huy điểm sáng trong việc tạo điều kiện thu hút đầu tư.

Bên cạnh các nhà đầu tư đã dày dặn kinh nghiệm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc, thị trường còn cần những hỗ trợ bài bản hơn nữa để thu hút sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ và Châu Âu.

Ngay sau khi biên giới mở cửa trở lại, những nhà đầu tư và khách hàng quốc tế đã nhanh chóng khảo sát và ký kết biên bản ghi nhớ (MOU), hợp đồng thuê và các thỏa thuận mua bán. Foxconn và Samsung là những trường hợp điển hình".

Theo chuyên gia Savills, ngành công nghiệp và sản xuất vẫn sẽ tiếp tục dẫn đầu trong thu hút dòng vốn ngoại với sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài về đất công nghiệp và nguồn cung xây sẵn chất lượng cao.

Thị trường BĐS công nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Bài toán lớn hiện nay cần giải chính là gia tăng nguồn cung, cùng với đó là tập trung vào các sản phẩm như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics, xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu (built – to - suit).

Việt Nam vẫn còn bài toán lớn là nguồn cung đất công nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).

Các tỉnh cần hiểu nhà đầu tư cần gì

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa qua, Chính phủ đã lắng nghe các giải pháp, khuyến nghị từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham).

Theo ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham, để thu hút thêm nguồn vốn FDI trong thời gian tới, điều quan trọng là chính quyền cấp tỉnh cần phải hiểu rõ các nhà đầu tư nước ngoài cần gì và mong muốn những gì, đặc biệt là nhu cầu về nguồn năng lượng xanh và sạch.

Theo ông John Rockhold, Việt Nam cần phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp xanh, xử lý rác thải hướng đến nền kinh tế xanh tuần hoàn và xây dựng các tòa nhà xanh.

Việt Nam cần 146 tỷ USD để phát triển năng lượng xanh và sạch từ nay cho đến năm 2030. Phần lớn nguồn tài chính này đến từ FDI. Do đó, Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều để bảo đảm sẵn sàng phát huy hiệu quả của các dự án đầu tư, kể cả FDI, hướng tới kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. 

Bên cạnh phát triển năng lượng xanh, Việt Nam cần chú trọng tới đào tạo lực lượng lao động với những kỹ năng xanh trong các lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió và pin năng lượng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.