[Infographic] 8 dự án sẽ đóng góp 1.700 ha quỹ đất công nghiệp cho TP HCM thời gian tới

Trong thời gian tới, nguồn cung mới đất công nghiệp của TP HCM dự kiến có khoảng 1.759 ha đến từ 8 dự án tại Bình Chánh, Nhà Bè và Củ Chi.

Báo cáo của Avision Young Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, TP HCM không có dự án khu công nghiệp (KCN) mới đi vào hoạt động, tổng nguồn cung hiện tại của thành phố có gần 5.000 ha diện tích đất tự nhiên.

Hiện TP HCM đang mời gọi đầu tư vào KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 (393 ha), cùng KCN Phạm Văn Hai I (379 ha) và II (289 ha) được bổ sung vào quy hoạch năm 2023. Thành phố cũng giao HEPZA và Viện Nghiên cứu Phát triển xây dựng đề án thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, KCN: Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Bình Chiểu, và Hiệp Phước.

Nhìn chung, TP HCM hiện đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển KCN lớn do quỹ đất hạn chế, rào cản trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, và chuyển đổi mô hình KCN.

So với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM có tiêu chuẩn phát triển cao hơn, yêu cầu khắt khe về môi trường, công nghệ hiện đại và phát triển bền vững, làm tăng độ phức tạp và chi phí triển khai.

Trong quý IV/2024, giá thuê đất trung bình tại TP HCM là 240 USD/m2/kỳ hạn, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 90%. Nơi đây vẫn đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Đơn cử như Smart Tech Group Vietnam đề xuất xây dựng nhà máy sản xuất pin lưu trữ điện năng với vốn 340 - 850 triệu USD trên diện tích 10 - 50 ha, dự kiến triển khai từ năm 2025.

Coteccons hợp tác cùng Eaton và Evolution (thuộc Warburg Pincus) gửi đề xuất đầu tư trung tâm dữ liệu tại Khu Công nghệ cao TP HCM, với dự án lớn nhất là trung tâm 36 MW trị giá 305 triệu USD.

Chưa hết, AMD đã bày tỏ mong muốn hợp tác về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, NVIDIA đang khảo sát thành lập trung tâm nghiên cứu AI và chuyển sản xuất vi xử lý sang Việt Nam, còn Marvell mở rộng trung tâm thiết kế chip... 

Đáng chú ý, Công ty BE Semiconductor Industries N.V (Hà Lan) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP HCM, với số vốn 4,5 triệu USD trong giai đoạn đầu để thuê nhà xưởng và triển khai sản xuất, dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2025.

Trong thời gian tới, nguồn cung mới đất công nghiệp của TP HCM dự kiến sẽ có khoảng 1.759 ha đến từ 8 dự án. Trong đó, 74% nguồn cung sẽ tập trung tại huyện sắp lên quận là Bình Chánh, kế đến là Nhà Bè (22%) và Củ Chi (4%).

 Đồ họa: Justin Bùi.