Theo báo cáo thị trường vừa công bố của Avison Young Vietnam, phân khúc bất động sản (BĐS) công nghiệp đã có hàng loạt dự án mới được phê duyệt và khởi công trong quý I.
Động thái này cho thấy các chủ đầu tư chủ động tăng tốc triển khai dự án mới, cũng như Chính phủ và các địa phương nỗ lực thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm mới.
(Nguồn: Avison Young Việt Nam).
Miền Bắc tiếp tục là tâm điểm của thị trường khu công nghiệp. Vào tháng 1, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 cho KCN Bắc Thường Tín (diện tích khoảng 137 ha), KCN Phụng Hiệp (gần 175 ha) và KCN sạch Sóc Sơn (diện tích nghiên cứu gần 324 ha).
TP Hà Nội cũng quyết định thành lập 3 cụm công nghiệp (CCN) làng nghề tại các huyện Thạch Thất và Thường Tín. Bao gồm CCN làng nghề Hương Ngải – giai đoạn 1 (10 ha), CCN Hòa Bình – giai đoạn 1 (7 ha) và CCN làng nghề Hiền Giang - giai đoạn 1 (9,6 ha).
Tỷ lệ lấp đầy tại Thủ đô đạt 93%, tăng 5% so với cuối năm 2024, nhờ KCN Hanssip giai đoạn 1 đã được lấp đầy hoàn toàn. Giá thuê đất trung bình tại các KCN đạt 223 USD/m2/kỳ hạn, vẫn duy trì sức cạnh tranh so với các tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Hiện hầu hết các dự án tại Hà Nội đều đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.
Ngoài Hà Nội thì nhiều tỉnh khác như Nghệ An, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định cũng liên tiếp có các KCN mới được khởi công hoặc phê duyệt trong quý I.
Ở miền Trung, Đà Nẵng tiếp tục mở rộng quỹ đất công nghiệp với kế hoạch xây dựng và kêu gọi đầu tư các phân khu sản xuất, thương mại - dịch vụ và logistics trong Khu thương mại tự do.
Bên cạnh đó, ngày 18/2, UBND TP Đà Nẵng đã khởi động KCN Hòa Ninh (Phú Mỹ 3 Đà Nẵng IP) tại huyện Hòa Vang. Đây là một trong những dự án quan trọng của thành phố, có diện tích hơn 400 ha, do CTCP Thanh Bình Phú Mỹ đầu tư với tổng vốn 6.204 tỷ đồng. Vị trí gần Cảng nước sâu Liên Chiểu, Sân bay quốc tế Đà Nẵng và Khu Thương mại tự do Đà Nẵng.
Các KCN tại Đà Nẵng vẫn duy trì hoạt động ổn định, với mức giá thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 98 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy đạt 79%. Hiện các KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Đà Nẵng và KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã lấp đầy hoàn toàn.
Các tỉnh lân cận Đà Nẵng cũng lần lượt khởi động các dự án KCN quy mô lớn, như Bình Định với KCN Phù Mỹ - Giai đoạn 1 và Quảng Ngãi với KCN VSIP II.
Một KCN ở TP HCM. (Ảnh: Hoàng Huy).
Tại TP HCM, tình hình hoạt động của các KCN hiện hữu tại duy trì ổn định, giá thuê đất trung bình đạt 243 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy đạt 90%.
Trong quý I, tổng nguồn cung đất công nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức khoảng 5.000 ha. KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 (393 ha), cùng KCN Phạm Văn Hai I (379 ha) và II (289 ha) đang được địa phương mời gọi đầu tư.
Theo kế hoạch, trong năm 2025, Khu Công nghệ cao sẽ có 12 dự án được khởi công, bao gồm 10 dự án trong nước và 2 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Ngoài Khu Công nghệ cao đã đi vào hoạt động, TP đang triển khai xây dựng Khu Công viên Khoa học Công nghệ tại phường Long Phước, TP Thủ Đức (gần 200 ha).
TP HCM tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư chất lượng cao, lan tỏa tác động sang các tỉnh thành lân cận. Đơn cử như Bà Rịa – Vũng Tàu đã lập quy hoạch 4 KCN mới (hơn 3.800 ha), Long An khởi công KCN sinh thái đầu tiên của tỉnh, còn Bình Dương ghi nhận kế hoạch đầu tư một trung tâm dữ liệu quy mô lớn.
Theo ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam, nhìn chung các hoạt động đầu tư, quy hoạch và khởi công diễn ra đồng loạt vào đầu năm đã phản ánh sự tự tin và kỳ vọng vào triển vọng trung – dài hạn của Việt Nam.
"Đề xuất áp thuế đối ứng 46% của Hoa Kỳ, một mặt tạo ra những biến động trong ngắn hạn, mặt khác là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa về đối tác thương mại, tối ưu hóa các chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư, phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài", chuyên gia nhận định.