CTCP Đầu tư Lê Premium vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường.
Dự án này được UBND tỉnh Thái Nguyên thành lập vào tháng 7/2021, đến tháng 12 cùng năm được phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh quy hoạch vào tháng 12/2022.
CCN Hạnh Phúc - Xuân Phương có diện tích gần 74 ha, nằm trên địa bàn xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Dự án này nằm cách tuyến đường vành đai 5 khoảng 30 m về phía nam, tiếp giáp dự án Khu đô thị Phú Bình 1; cách sông Cầu khoảng 300 m về phía tây; cách CCN Bảo Lý - Xuân Phương khoảng 120 m.
Về hiện trạng, khu đất thực hiện dự án chủ yếu là đất ruộng trồng lúa (chiếm tỷ lệ hơn 87%), còn lại là đât mặt nước, đất thuỷ lợi và một phần đất ở... nằm xen kẽ. Trên khu đất không có các công trình văn hoá, tôn giáo, không có di tích lịch sử nào được xếp hạng cần bảo vệ.
Để thực hiện, dự án cần chuyển đổi hơn 65 ha đất lúa. Việc thu hồi đất sẽ ảnh hưởng đến 950 hộ dân thuộc xã Xuân Phương, trong đó có 12 hộ là có công trình nhà ở, chủ yếu là nhà cấp 4. Ngoài ra, sẽ di dời khoảng 100 ngôi mộ nằm rải rác, tập trung ở phía đông bắc và đông nam.
Về tính chất, đây là dự án công nghiệp thu hút các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nhẹ, điện tử,... và các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Trong cơ cấu sử dụng đất của dự án, đất công nghiệp sẽ chiếm hơn 52,5 ha; đất công trình công cộng dịch vụ hơn 1,9 ha; đất cây xanh hơn 8,7 ha; đất giao thông 8,6 ha.
Các công trình công cộng dịch vụ sẽ có mật độ xây dựng 50 - 70%, cao tối đa 10 tầng. Đất nhà máy công nghiệp có mật độ xây dựng tối đa 70%, cao tối đa 40 m (tuỳ yêu cầu của công nghệ sản xuất).
Về tổ chức không gian, lối vào chính của CCN là tuyến đường nhánh trong khu đô thị Phú Bình 1 ra đường vành đai 5. Công trình hành chính dịch vụ bố trí khu vực phía nam và phía bắc dự án. Hệ thống cây xanh tập trung bố trí khu vực phía nam. Bên trong CCN quy hoạch các tuyến đường song hành có mặt cắt ngang 19,5 - 41 m.
Các lô đất xây dựng nhà máy xí nghiệp sẽ có diện tích 1,7 - 13,9 ha. Dựa vào nhu cầu thực tế của các nhà máy xí nghiệp, các doanh nghiệp thuê lô đất xây dựng có thể thay đổi chiều sâu của lô đất theo yêu cầu, còn chiều rộng phải được khống chế theo quy hoạch.
Với các dự án ngành nghề điện tử sẽ bố trí tiếp giáp khu dân cư. Với ngành công nghiệp nhẹ, sẽ bố trí tiếp giáp các lô đất công cộng.
Về tiến độ, dự án sẽ triển khai xây dựng, san gạt tạo mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn quý I/2023 - quý IV/2024. Từ quý I/2025 sẽ mời các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư tại CCN. Tổng mức đầu tư của dự án là 792,5 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là 16,4%.
Trên địa bàn xã Xuân Phương hiện nay có khoảng 605 ha đất lúa. Địa phương này có điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, diện tích canh tác lớn, công tác khuyến nông được chú trọng. Việc triển khai dự án sẽ làm giảm quỹ đất nông nghiệp của địa phương, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân có đất bị thu hồi. Chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án này là hơn 250 tỷ đồng.
Về chủ đầu tư, Lê Premium được thành lập vào tháng 2/2021, hiện có trụ sở tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên. Tại thời điểm tháng 8/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ 130 tỷ đồng, Tổng Giám đốc là ông Bùi Đức Trọng.
Vào ngày 5/4 vừa qua, vị trí Tổng Giám đốc của ông Bùi Đức Trọng đã được thay thế bởi ông Lê Đăng Khoa. Hơn 1 tuần sau đó, vốn điều lệ của Lê Premium đã được tăng lên thành 180 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của người viết, ông Khoa hiện đang đồng thời đứng tên tại 3 doanh nghiệp khác, gồm CTCP Đầu tư và Phát triển Tân Đức, CTCP Đầu tư Golf Le Mont và CTCP Đầu tư Le Mont (văn phòng đại diện Hà Nội).
Trong số các doanh nghiệp nói trên, CTCP Đầu tư Le Mont (Le Mont Group) được thành lập vào tháng 9/2020 và có trụ sở tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên. Theo giới thiệu của Le Mont, doanh nghiệp này được thành lập với tầm nhìn trở thành đơn vị hàng đầu về bất động sản công nghiệp tại Thái Nguyên.
Le Mont cho biết, CCN Hạnh Phúc - Xuân Phương là dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, và đây không phải dự án duy nhất của doanh nghiệp. Theo đó, Le Mont còn có những dự án với vị trí đắc địa tại khu vực phía bắc, gần cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường vành đai 5, đường sắt Quan Triều, đường sắt Lưu Xá...
Le Mont không dừng ở BĐS công nghiệp, doanh nghiệp còn phát triển trong lĩnh vực sân golf, giáo dục, nhà thầu xây dựng và phát triển khu đô thị.
Thái Hưng tiền thân là Doanh nghiệp được thành lập từ năm 1993, chuyên hoạt động trong mảng sản xuất thép.
Theo giới thiệu của Thái Hưng, sản lượng tiêu thụ thép bình quân của doanh nghiệp hàng năm chiếm khoảng 13% thị phần thép của Việt Nam.
Le Mont cho biết thêm, doanh nghiệp có mối liên hệ với CTCP Thương mại Thái Hưng, một ông lớn ngành thép có tiếng tại Thái Nguyên. Trong số ban lãnh đạo của Le Mont có bà Nguyễn Thị Vinh, người đang đồng thời là Uỷ viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Thái Hưng.
Bên cạnh bà Vinh, ban lãnh đạo của Le Mont còn có sự góp mặt của hai nhân vật khác có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng bất động sản công nghiệp ở Việt Nam.
Đầu tiên là ông CK.Tong, vị này là Nguyên Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Công nghiệp BW (thành viên của Becamex IDC), Nguyên giám đốc LMS Châu Á Thái Bình Dương – Công ty logistics DHL.
Tiếp đến là ông James Hoo, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Sembcorp (Singapore); Giám đốc Quản lý và Phát triển tại VSIP Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Ninh. Trong đó, Sembcorp và Becamex IDC được biết đến là các cổ đông thành lập nên VSIP.
Dự án 12:21 | 18/11/2024
Dự án 16:30 | 25/10/2024
Dự án 19:00 | 23/10/2024
Dự án 11:11 | 22/10/2024
Dự án 11:52 | 21/10/2024
Dự án 12:00 | 07/10/2024
Dự án 06:30 | 03/10/2024
Dự án 13:17 | 02/10/2024