Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực tài chính trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế

Trung Quốc đang mở cửa ngành tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời điểm các ngân hàng quốc nội đang cho vay mạnh tay để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.

Một cuộc cải cách lớn của ngành tài chính Trung Quốc

Theo tờ Nikkei, kể từ 23/7, các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể sở hữu các doanh nghiệp Trung Quốc trong mọi lĩnh vực tài chính, từ bảo hiểm đến môi giới.

Lĩnh vực tài chính trị giá 45.000 tỉ USD đã được Chính phủ Trung Quốc gỡ bỏ hầu hết những qui định về giới hạn sở hữu nước ngoài. Điều này đã đưa Trung Quốc tiến một bước gần hơn tới mục tiêu dài hạn về một cuộc cải cách "bùng nổ". Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng tham vọng chinh phục nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới của những nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù quan hệ với Mỹ ngày càng gia tăng căng thẳng, giới phân tích hi vọng động thái này sẽ giúp Trung Quốc thu hút các tập đoàn quốc tế có tên tuổi trên thị trường vốn. Các nhà phân tích nhận định điều này sẽ giảm áp lực trên vai các ngân hàng quốc nội khi các ngân hàng này đang phải cho vay mạnh tay, kéo nền kinh tế khỏi sự đình trệ. 

Các tập đoàn lớn như Goldman Sachs và Fidelity dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Trung Quốc với hi vọng giành được một miếng bánh lớn trên thị trường tư vấn và quản lí tài sản, vốn đang có tốc độ phát triển nhanh.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo sự thay đổi trên sẽ không loại bỏ tất cả các rào cản, ngay cả khi việc toàn quyền sở hữu có thể giúp các ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà quản lí quĩ dễ dàng hội nhập vào mạng lưới toàn cầu. Cũng có những ý kiến lo ngại rằng việc cải cách được đưa ra vào thời điểm thoái trào trong chu kì kinh tế của Trung Quốc, làm giảm hiệu quả.

Theo bà Michelle Lam, nhà kinh tế học tại Công ty tài chính Societe Generale, nhận định: "Trung Quốc đang tiếp tục đạt được những bước tiến trong việc mở cửa và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, mặc dù căng thẳng địa chính trị gia tăng, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn rất quan trọng vì việc nắm bắt được công nghệ có thể giúp Trung Quốc tiến lên chuỗi giá trị. Các công ty nước ngoài cũng có khả năng đầu tư vào Trung Quốc với thị trường nội địa rộng lớn."

Huang Qifan, Phó Chủ tịch Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc đồng thời là cựu thị trưởng thành phố Trùng Khánh, cho biết trong những năm tới, các công ty tài chính nước ngoài có thể đầu tư tới 8.000 tỉ nhân dân tệ vào Trung Quốc.

Trung Quốc mở cửa ngành tài chính trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế - Ảnh 1.

Giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài của Trung Quốc theo các ngành. (Nguồn KPMG. Việt hóa: Lê Huy)

Việc loại bỏ các giới hạn sở hữu nước ngoài là một trong những bước cuối cùng trong kế hoạch cải cách kinh tế của Chính phủ Trung Quốc. Các lĩnh vực khác cũng có sự thay đổi trong giới hạn chủ sở hữu nước ngoài bao gồm cơ sở hạ tầng, sản xuất xe thương mại, luyện kim và một số mảng nông nghiệp.

Kể từ 2017, Trung Quốc đã cấp tốc triển khai việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài toàn quyền sở hữu các công ty bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, quản lí quĩ… Đến năm 2020, qui định này đã có hiệu lực, sớm hơn so với dự kiện 1 năm. Việc mở cửa hầu hết lĩnh vực tài chính của quốc gia đã đáp ứng được cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một của Trung Quốc với Mỹ.

Theo một ghi chép của KPMG về cuộc cải cách kinh tế Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài có thể phải đối mặt với nhiều trở ngại khác nhau trong quá trình phát triển tại đất nước này. Những trở ngại có thể đến từ việc mở rộng liên tỉnh, phê duyệt sản phẩm hay phân phối thông qua các kênh ngân hàng.

Cơ hội đầu tư dài hạn

Nhà đầu tư nước ngoài nên tập trung vào những cơ hội dài hạn, ông Jake Parker, Phó Chủ tịch cấp cao của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung, cho biết một số công ty đã theo hướng đó.

"Chúng tôi đã nghe từ một số công ty dịch vụ tài chính rằng các đơn xin cấp phép của họ về việc sở hữu toàn bộ hoặc sở hữu đa số gửi tới các nhà chức trách Trung Quốc đang có nhiều tiến triển", ông nói.

Một trong những công ty đang mong chờ quyền sở hữu toàn bộ bao gồm Credit Suisse. Công ty này đã giành được 51% quyền sở hữu của công ty liên doanh Founder Securities vào tháng 6. Helman Sitohang, đại diện châu Á của Credit Suisse, chia sẻ với Reuters hồi đầu 7 rằng công ty muốn tăng tỉ lệ sở hữu lên 100%.

UBS trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên nắm giữ phần lớn cổ phần trong một doanh nghiệp chứng khoán Trung Quốc theo các qui định mới. Kể từ đó, Nomura Holdings, JPMorgan, Goldman Sachs và Morgan Stanley đều tiếp tục làm theo.

Vào tháng 4/2020, JPMorgan Asset Management đã chi khoảng 1 tỉ USD để mua lại các cổ phần còn lại trong Quĩ Quản lí Quốc tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, Fidelity International gần đây đã xin cấp phép để thành lập một quĩ tương hỗ mở tại Trung Quốc.

Quan liêu và các vấn đề hậu cần không phải là rào cản tiềm năng duy nhất tại Trung Quốc. Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho biết việc thay đổi các qui định chỉ là một bước đi nhỏ trong cải cách đang diễn ra của nước này. Các công ty trong nước đã thống trị một số lĩnh vực nhất định, chỉ để lại một phần cơ hội nhỏ cho những nhà đầu tư châu Âu.

Theo bà Alicia Garcia Herrero, Kinh tế trưởng ngân hàng Natixis khu vực Châu Á Thái Bình Dương, điều này có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài có thể phải cân nhắc kĩ lưỡng trong tham vọng Trung Quốc của họ.

"Đối với nhưng nhà đầu tư nước ngoài, các lĩnh vực như bảo lãnh, tư vấn và quản lí tài sản mang đến một cơ hội lớn hơn ngân hàng truyền thống. Những lĩnh vực này có ít qui định hơn, ít đối thủ cạnh tranh hơn và dư địa lớn để phát triển. Do đó, lợi nhuận cũng có thể cao hơn", bà Herrero nói thêm.

chọn
ĐHĐCĐ Becamex IJC: Quý đầu năm lãi sau thuế 40 tỷ, sắp mở bán Sunflower II và Prince Town II
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa tổ chức, lãnh đạo Becamex IJC tiết lộ doanh thu và lãi sau thuế hợp nhất dự kiến quý I đạt 162 tỷ và 40 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào bán hàng dự án Sunflower II và Prince Town II trong quý III/2024.