Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu tháng 4/2020, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ca ngợi Trung Quốc về sự ổn định tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo The Diplomat, các ngân hàng thương mại của Trung Quốc có vẻ đang có một sức khỏe tốt. Lợi nhuận ròng toàn ngành trong quí I/2020 thậm chí tăng 5% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy ngành ngân hàng đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng.
Chất lượng tài sản bị xói mòn
Thách thức đầu tiên đối đó là các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến chất lượng tài sản các ngân hàng.
Theo Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm của Trung Quốc, trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước lớn vẫn hoạt động trong tình trạng ổn định, các ngân hàng nhỏ hơn đang chứng kiến chất lượng tài sản bị xói mòn và rủi ro tín dụng tăng cao. Có 3 lí do chính giải thích cho điều này.
Đầu tiên, 1/3 các khoản vay của ngân hàng tài trợ cho sản xuất, bán buôn và bán lẻ và vận chuyển, lưu trữ và dịch vụ bưu chính. Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch.
Thứ hai, hơn 75% doanh thu của các ngân hàng đến từ thu nhập lãi. Việc ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 2 để kích thích nền kinh tế đã làm giảm biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng. Mặc dù có nhiều kì vọng rằng NHTW sẽ không cắt giảm lãi suất trong tương lai, nhưng vẫn có khả năng tiến trình phục hồi kinh tế diễn ra không như mong đợi.
Điều thứ ba và cũng là tình cảnh của các ngân hàng vừa và nhỏ, đó là có tỉ trọng lớn trong các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Trên thực tế, các ngân hàng thương mại lớn chiếm hơn 60% tài sản của ngành ngân hàng, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% khoản vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi các ngân hàng vừa và nhỏ chiếm 70% các khoản vay trên.
Chất lượng của các khoản vay của các SMEs đang nhanh chóng trở nên đi xuống khi doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch. Tỉ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng đã tăng từ 1,86% từ cuối năm 2019 lên 2,04% sau quí I/2020.
Dù tỉ lệ nợ xấu vẫn ở ngưỡng thấp, nhưng mức tăng 9,6% chỉ trong một quí là một điều đáng báo động. Thậm chí, tỉ lệ nợ xấu của 134 ngân hàng thương mại tại các thành phố đã lên tới 2,49% vào cuối tháng 3. Trong khi đó, tỉ lệ này của hàng ngàn ngân hàng thương mại tại các vùng nông thôn lên tới 4,9%.
Với dự trữ vốn ít hơn và các khoản vay rủi ro hơn, các ngân hàng nhỏ sẽ dễ bị tổn thương hơn khi tỉ lệ nợ xấu tăng lên.
Chính sách thúc đẩy thị trường tài chính có thể khiến tiền gửi ngân hàng giảm
Trong khi thách thức đầu tiên là tương đối ngắn hạn, thì thách thức thứ hai đến từ việc mở cửa và cải cách tài chính của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới các ngân hàng thương mại trong trung và dài hạn.
Tháng 7/2019, Trung Quốc đã thông qua 11 biện pháp cho phép đa số các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chứng khoán, quản lí tài sản, hợp đồng tương lai, bảo hiểm nhân thọ và môi giới tiền tệ,... Giới hạn quyền sở hữu hoặc tham gia vào các lĩnh vực khác cũng đã được nâng lên, bao gồm các công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, quản lí tài sản bảo hiểm, quản lí tài sản và quản lí quỹ hưu trí.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc quyết định cần phát triển hơn nữa thị trường vốn quốc gia. Vào tháng 1/2020, các cơ quan quản lí đã kêu gọi vốn trong các hộ gia đình chuyển sang thị trường vốn thông qua kênh quản lí tài sản, bảo hiểm, ủy thác hay các sản phẩm khác.
Hiện tại, 42,9% tài sản tài chính hộ gia đình được giữ bằng tiền gửi ngân hàng và 13,4% trong các sản phẩm quản lí tài sản, chỉ có 8,1% đầu tư vào cổ phiếu, 3,2% nằm trong các quĩ và dưới 1% đầu tư vào trái phiếu.
Dù vậy, các ngân hàng Trung Quốc vẫn đã nhận được rất nhiều tiền gửi với chi phí thấp . Nhưng điều này có thể thay đổi khi thị trường vốn trở nên phát triển hơn và thu hút nguồn tiền gửi ngân hàng dồi dào từ các hộ gia đinh.
Bên cạnh đó, các dịch vụ tài chính được cung cấp bởi thị trường vốn và các tổ chức tài chính nước ngoài sẽ tăng cường cạnh tranh và làm giảm NIM, thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng quốc nội.
Hoạt động tài chính ngầm
Thách thức cuối cùng đến từ hoạt động tài chính ngầm. Các hoạt động tài chính ngầm đã khiến hệ thống ngân hàng "thiệt hại" 11.500 tỉ nhân dân tệ trong 3 năm quá. Chiến dịch "tháo gỡ đòn bẩy tài chính" bắt đầu từ năm 2017 đã ngăn chặn đáng kể hệ thống tài chính ngầm.
Tuy nhiên, đại dịch và suy thoái kinh tế có thể khiến các cơ quan quản lí cân nhắc lại về mức độ ưu tiên giữa việc mở rộng tín dụng và kích thích nền kinh tế.
Viện Tài chính Quốc tế (IFF) ước tính tỉ lệ Nợ/GDP của Trung Quốc đạt mức 3,8% trong quí I/2020, tăng hơn 300% so với quí IV/2019. Đây là mức tăng hàng quí lớn nhất từ trước tới nay, cho thấy chính phủ đã dần nới lỏng tín dụng.
Theo tổ chức xếp hạng Moody's, qui mô tài sản trong hệ thống tài chính ngầm tăng 100 tỉ nhân dân tệ trong quí I/2020, đạt 59.000 tỉ nhân dân tệ.
Hoạt động tài chính ngầm càng mở rộng, rủi ro càng tăng cao. Khoảng 43% tổng số các tài sản quản lí tài sản có thời gian đáo hạn từ 3 tháng trở xuống, điều này cho thấy rủi ro tái cấp vốn cao. Đối với kênh ủy thác, số lượng tài sản ủy thác được phân loại là có khả năng vỡ nợ vượt 643 tỉ nhân đân tệ.
Để giải quyết điều này, các công ty tài chính và cho vay nhỏ lẻ đã phải ngừng hoạt động huy động vốn và tạm dừng hoặc hoãn trả lãi và trả gốc. Kể từ cuối năm 2019, số dư cho vay của ngành cho vay ngang hàng đã giảm 17% trong quí đầu tiên của năm 2020.
Bên cạnh đó, Fintech cũng đang dần trở thành một hệ thống tài chính ngầm. Alipay và WeChat Pay kiểm soát khoảng 90% thị trường thanh toán kĩ thuật số của Trung Quốc, khiến ngành ngân hàng mất 23 tỉ USD doanh thu từ phí giao dịch thẻ, tương đương khoảng 5 - 8% doanh thu.
Nhưng quan trọng hơn là dữ liệu giao dịch trên các nền tảng này hiện đã vượt qua các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ gặp bất lợi lớn trong việc phục vụ khách hàng nếu họ không có dữ liệu khách hàng.
Ngoài ra, Ant Finance hiện cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính như đầu tư thị trường tiền tệ (Yu'e Bao), dịch vụ bảo hiểm (ZhongAn), xếp hạng tín dụng (Sesame Credit), hạn mức tín dụng cá nhân (Ant Micro Loan) và cho vay (MYbank). Các dịch vụ này có thể giảm bớt các khâu trung gian, trở thành một trở ngại và ảnh hưởng tới doanh thu của các ngân hàng.
Có thế thấy, việc mở cửa tài chính, phát triển thị trường vốn và fintech sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng Trung Quốc học hỏi, cạnh tranh và cải thiện trong thời gian dài. Nhưng những thách thức được đặt ra cũng cần được tính toán và quản lí một cách thận trọng để đảm bảo sự ổn định của ngành ngân hàng.
Từ cấp chính sách, trong khi các ngân hàng vừa và nhỏ nên tiếp tục mở rộng tín dụng và hỗ trợ SMEs, các ngân hàng thương mại lớn với khả năng chống lại rủi ro tốt hơn nên thực hiện những vai trò lớn hơn. Ngoài chính sách tiền tệ mở rộng thận trọng, các biện pháp tài khóa cần được thực hiện mạnh mẽ hơn để tăng cường nhu cầu và cải thiện lợi nhuận kinh doanh.
Trước những thách thức trên, tác giả của bài viết, ông Yan Liang, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Willamette, đã đưa ra một số đề xuất.
Ở cấp độ quản lí, các cơ quan chức trách cần xây dựng hệ thống qui định, vốn đang tạo cơ hội hơn cho các hoạt động tài chính ngầm, cân bằng vào tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng truyền thống.
Ở cấp độ các ngân hàng, cần tiếp tục đầu tư vào các công nghệ tài chính, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, blockchain, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu.
Cuối cùng, việc mở cửa tài chính có nghĩa là các ngân hàng Trung Quốc cần đẩy nhanh tiến độ trên toàn cầu. Từ năm 2016 đến 2019, cho vay nước ngoài của các ngân hàng Trung Quốc tăng 11%. Khoản thu từ phí các dịch vụ ngân hàng đầu tư của các ngân hàng Trung Quốc hơn gấp 3 lần so với tất cả các đối thủ châu Á cộng lại (trừ Nhật Bản).
Trong tương lai, các ngân hàng nên tận dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường và các dự án tương tự. Đây là cơ hội cho các ngân hàng chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản như cảng và đường, các ngân hàng thương mại có thể nhận các khoản vay cho các dự án bất động sản, trung tâm thương mại.