CNBC dẫn số liệu vừa được công bố ngày 14/7 cho biết trong quí II, JPMorgan ghi nhận lãi sau thuế 4,69 tỉ USD, tương đương với EPS 1,38 USD/cp, cao hơn mức 1,04 USD/cp mà giới phân tích dự báo trong khảo sát của Refinitiv.
Doanh thu trong quí đạt 33 tỉ USD, cũng cao hơn con số 30,3 tỉ USD mà các nhà phân tích dự báo và tăng trưởng 14% so với cùng kì năm trước. Tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 7% trong khi kì vọng thị trường chỉ là 6%.
Trước khi phiên giao dịch 14/7 chính thức mở cửa, cổ phiếu JPMorgan có lúc tăng 4%. Trong phiên giao dịch chính thức, cổ phiếu ngân hàng này dao động lên xuống mạnh, có lúc tăng 1,4% nhưng cũng có lúc chạm sắc đỏ.
Trong thông cáo gửi ra kèm kết quả kinh doanh, CEO Jamie Dimon cho biết: "Mặc dù số liệu kinh tế vĩ mô gần đây khá tích cực và chính phủ đã hành động rất mạnh mẽ, quyết đoán, chúng tôi vẫn phải đối diện với nhiều bất định về hướng đi của nền kinh tế trong thời gian tới.
"Tuy nhiên, JPMorgan đã chuẩn bị cho mọi tình huống, bảng cân đối kế toán của chúng tôi vững chắc như một pháo đài, cho phép chúng tôi trú ẩn trong những ngày giông bão".
JPMorgan – ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tài sản – là nhà băng lớn đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quí II. Số liệu của JPMorgan được theo dõi rất chặt chẽ để đánh giá ảnh hưởng của đại dịch đối với mảng khách hàng tổ chức cũng như cá nhân.
JPMorgan đã phải trích lập tới 8,9 tỉ USD cho các khoản nợ xấu, nhiều hơn trên 1 tỉ USD so với dự báo. Tuy nhiên kết quả tích cực từ mảng ngân hàng bán lẻ khổng lồ và bộ phận giao dịch đã giúp JPMorgan bù lại số trích lập nợ xấu.
Doanh thu từ hoạt động giao dịch, chủ yếu là giao dịch trái phiếu, tăng 79% so với cùng kì năm ngoái lên mức kỉ lục 9,7 tỉ USD.
Riêng bộ phận trái phiếu ghi nhận doanh thu 7,3 tỉ USD, tăng 120% so với một năm trước và bỏ xa mức 5,84 tỉ USD mà các nhà phân tích của FactSet dự báo. Bộ phận cổ phiếu báo cáo doanh thu 2,4 tỉ USD, cao hơn mức kì vọng 2,07 tỉ USD. Thu nhập từ phí ngân hàng đầu tư cũng tăng trưởng tới 91%.
CEO Jamie Dimon nhận định khả năng nền kinh tế Mỹ hồi phục mạnh trong nửa cuối năm 2020 là "tương đối cao", động lực chính là quá trình tái mở cửa.
Tuy nhiên hi vọng này rất dễ bị đe dọa nếu đại dịch COVID-19 tái bùng phát, buộc các bang và thành phố phải phong tỏa hoạt động thêm lần nữa.
Tuy đã hồi phục mạnh so với đáy hồi cuối tháng 3, cổ phiếu ngân hàng vẫn đi sau thị trường chung với động lực chính là nhóm công nghệ.
Các ngân hàng được hỗ trợ bởi các gói thanh khoản hàng nghìn tỉ USD của Fed tuy nhiên môi trường lãi suất thấp đã kìm hãm mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng. Lãi suất thấp kéo theo tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) thấp.
Dư nợ cho vay của nhà băng cũng có xu hướng giảm dần, chủ yếu do khách hàng giảm sử dụng thẻ tín dụng và các ngân hàng thắt chặt hoạt động cho vay do lo ngại nợ xấu.