Trung Quốc - giấc mơ tan biến của người nhập cư châu Phi

Tham vọng đổi đời kéo người châu Phi đổ về thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, song những khó khăn về kinh tế, chính sách nhập cư và khác biệt văn hóa khiến giấc mơ làm giàu của họ dang dở. 

Denfeng, ngôi làng yên bình giữa thành phố Quảng Châu, được mệnh danh là châu Phi thu nhỏ (Little Africa) hay thành phố Chocolate giữa lòng Trung Quốc. Nằm ở chân đường hầm không mấy nổi bật bên con đường tấp nập Little North Road ở Quảng Châu, Dengfeng trở nên khác biệt với phần còn lại của Trung Quốc.

Đến năm 2012, Dengfeng thu hút khoảng 100.000 người châu Phi, theo thống kê trong sách "Người châu Phi ở Trung Quốc" của giáo sư Adams Bodomo. Nếu số liệu này chính xác, đây sẽ là cộng đồng châu Phi lớn nhất tại châu Á.

Theo CNN, người châu Phi mang theo giấc mộng đổi đời tại đất nước đông dân nhất thế giới, thế nhưng thực tế đó đang ngày một xa vời. Hơn một năm trở lại đây, không ít người đã rời bỏ Trung Quốc. Cơn khát USD của những quốc gia Tây Phi sống dựa vào nguồn dầu mỏ cùng với chính sách nhập cư không thân thiện, phân biệt chủng tộc và nền kinh tế suy thoái của Trung Quốc khiến Quảng Châu mất dần sức hút.

Miền đất hứa

Cách Hong Kong 120 km về phía tây bắc, Quảng Châu quy tụ hàng loạt nhà máy sản xuất, từ máy giặt đến quần jeans nhái đồ hiệu cao cấp. Từ giữa thập niên 1990, thành phố mù khói bụi trở thành vùng đất hứa người nhập cư châu Phi.

Sau khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và đăng cai Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – châu Phi lần đầu tiên năm 2000, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia giàu tài nguyên châu Phi được nâng tầm. Năm 2014, giao dịch châu Phi và Trung Quốc đã vượt giá trị thương mại của Mỹ và lục địa đen hơn 120 tỷ USD. Hơn một triệu người Trung Quốc tới sinh sống tại châu Phi. Các phố người Hoa mọc lên ở Lagos, Nigeria và Conakry, Guinea khiến nhiều người châu Phi bắt đầu nghĩ về Trung Quốc.

trung quoc giac mo tan bien cua nguoi nhap cu chau phi

Ngôi làng châu Phi năm 2014 nhộn nhịp cảnh mua bán tại phố chợ. Ảnh: CNN

"Người tới châu Âu thường không hòa nhập được với cộng đồng, không có cơ hội tốt và chỉ mong muốn có một cuộc sống ổn định. Người châu Phi nhập cư Trung Quốc tham vọng hơn. Nhiều người trong số họ có khả năng tài chính để giao lưu và khám phá", Roberto Castillo, giảng viên Viện nghiên cứu châu Phi tại Đại học Hong Kong, cho hay.

40% số người di cư châu Phi được khảo sát có nền tảng giáo dục phổ thông. Một số còn có bằng tiến sĩ. Ali Mohamed Ali, doanh nhân người Somali, tốt nghiệp đại học ngành bảo hiểm, hiện làm trong lĩnh vực logistics tại Quảng Châu, cho biết 5 anh trai và chị gái đều tới châu Âu, nhưng chỉ làm lái xe taxi hoặc bảo vệ. Ali tới Trung Quốc với hy vọng có cơ hội lớn hơn.

Madina Diallo làm giàu từ việc xuất khẩu. Diallo cho hay từ năm 2002, trung bình mỗi năm anh có thể xuất khẩu 250 container hàng hóa, từ máy chiếu tới máy làm bắp rang bơ về Guinea. Thu nhập bình quân hàng năm của Diallo lên tới 375.000 USD, khối tài sản lớn ở quốc gia có tổng thu nhập quốc dân trên đầu người chỉ 470 USD.

Hàng giả cũng là một món hời béo bở. Moustapha Dieng, trước đây là kỹ sư máy bay của Không quân Senegal, cho biết từ đầu những năm 2000, người châu Phi vẫn còn nhập sản phẩm Nike và Adidas chính hãng từ Mỹ.

"Khi bắt đầu mua hàng giả từ Trung Quốc, chúng tôi có thể bán tại Senegal cùng mức giá với hàng thật. Không ai biết Trung Quốc và công nghiệp làm giả của họ. Lợi nhuận của chúng tôi khi đó là 100%", anh nói.

Thực tại khắc nghiệt

Felly Mwamba là một trong những "đại sứ" ở Quảng Châu. Mỗi nước châu Phi có một đại sứ tại Quảng Châu do cộng đồng nhập cư từ quốc gia đó bầu chọn. Họ có trách nhiệm liên lạc với cảnh sát, làm trọng tài thương mại, tổ chức sự kiện cộng đồng, hay theo dõi dân số vì người vừa nhập cư thường đăng ký không chính thức.

Mwamba cho hay có 1.200 người Congo ở Little Africa năm 2006, song hiện con số này chỉ còn 500 người. Tiểu đại sứ Guinea và Senegal cũng báo cáo thực trạng tương tự.

"Rất nhiều người châu Phi về nghỉ lễ Giáng sinh và không quay lại nữa", Emmanuel Ojukwu đại diện cho người Nigeria, cộng đồng người châu Phi lớn nhất ở Quảng Châu, nói.

Theo Dieng, "tiếng tăm" của nền kinh tế Trung Quốc những năm gần đây khiến người tiêu dùng châu Phi nhận ra họ đang mua phải hàng nhái và muốn trả ít hơn. Giấc mơ từ đó cũng vụt tắt dần. Từ năm 2016, giá hàng hoá của nhà máy cao hơn, lương công nhân tăng và quy định phạt hàng nhái cũng khiến họ gặp không ít khó khăn.

Khi mức thu nhập khác xa mơ ước, người nhập cư châu Phi càng cảm nhận những khác biệt rõ ràng ở cuộc sống xứ người. Dieng cho hay nhiều người địa phương thường lấy tay che mũi khi đi cùng thang máy dân châu Phi. 12 năm ở thành phố này, Dieng cô đơn khi vợ và các con đang ở quê nhà còn anh không thể tìm thấy một người bạn thực sự.

"Tôi không thích người châu Phi, tôi chỉ làm việc với họ mà thôi", Tina Chan, chủ một nhà máy giày thường giao dịch với người Nigeria thừa nhận.

Theo giáo sư nhân chủng ordon Matthews, người Trung Quốc chỉ muốn người châu Phi đến rồi đi sau 2-3 tuần, mua hàng và trở về nhà.

trung quoc giac mo tan bien cua nguoi nhap cu chau phi

Dengfeng vắng vẻ sau cuộc cải tạo với sự hiện diện đông hơn của lực lượng cảnh sát. Đối diện nhiều khó khăn, những người châu Phi đành từ bỏ ước mơ đổi đời tại Trung Quốc. Ảnh: CNN

Chính sách nhập cư cũng là một trở ngại lớn. Năm 2013, Trung Quốc lần đầu sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh kể từ năm 1986 song không có nhiều thay đổi.

"Tôi rất thất vọng. Mọi thứ vẫn mơ hồ khi bạn là người nước ngoài và mọi việc sẽ không dễ dàng. Thay đổi rõ ràng nhất là mức phạt cao hơn với người quá hạn visa và làm việc bất hợp pháp", Castillo nói.

Khó khăn còn đến từ quê hương của dòng người nhập cư. Các ngân hàng ở Nigeria, Angola, Ethiopia và Mozambique đang thiếu USD trầm trọng. Giá dầu giảm sâu kéo theo sự sụt giảm trong giá cả hàng hóa dẫn tới cung ngoại tệ cạn kiệt. Đối với người châu Phi, khi không thể giao thương bằng đồng tiền của quốc gia mình tại Quảng Châu, hệ lụy ngày càng khắc nghiệt.

"Chúng tôi dùng USD để mua hàng ở Trung Quốc. Nếu không có USD, đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng", Ojukwu giải thích.

Tình hình càng xấu khi các nhà buôn lắm mánh lới ở Trung Quốc đang tự tìm tới châu Phi bán hàng từ nhà máy ở Quảng Châu với giá chỉ còn một nửa, nhằm cắt bớt chi phí trung gian.

Năm 2014, cuộc sống bị ảnh hưởng khi chính phủ Trung Quốc triển khai kế hoạch đổi mới Dengfeng, khi giao thương sụt giảm, hoạt động của phố chợ vốn là mạch máu nuôi sống khu vực này bị hạn chế.

"Sau một năm cải tạo, Dengfeng trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch thế giới. Nơi từng là một khu vực dơ bẩn và lộn xộn tại Quảng Châu", tờ Southern Metropolis Daily cho hay.

Dù công cuộc thay đổi diện mạo Dengfeng nằm trong kế hoạch cải tạo những ngôi làng đông đúc tại Quảng Châu, sự xuất hiện thường xuyên của cảnh sát là việc chưa từng có. Phần lớn người châu Phi bỏ Little Africa tới những nơi khác của thành phố hoặc rời khỏi Trung Quốc.

Sau 13 năm ở Trung Quốc, Mwamba sẵn sàng về nhà. Với Mwamba, đây không phải rút lui mà là một quyết định. "Mọi người đều muốn quay về châu Phi và bắt đầu lại. Ở đây, chúng tôi đã học về các nhà máy nhỏ và về thương mại. Đã tới lúc về nhà và áp dụng những kiến thức đó.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.