Trung thu muộn ở khu dân cư gần kho Rạng Đông

Hơn một tháng sau vụ cháy kho bóng đèn Rạng Đông, hơn 300 hộ dân ở khu đô thị 54 Hạ Đình (Thanh Xuân) mới có điều kiện tổ chức Trung thu cho trẻ em.
Trung thu muộn ở khu dân cư gần kho Rạng Đông - Ảnh 1.

Tiết mục múa của trẻ em khu đô thị 54 Hạ Đình. Ảnh: Tất Định.

Khu đô thị này cách hiện trường vụ cháy khoảng 150m, dịp Tết Trung thu cũng là quãng thời gian 250 hộ dân tự đi sơ tán tản vì lo lắng môi trường bị ô nhiễm thủy ngân. Đến nay, khi bộ đội hoá học hoàn thành công việc tẩy độc khu vực trong và ngoài nhà kho Rạng Đông, hầu hết các hộ dân đã trở về.

19h30 tối 5/10, tiếng nhạc rộn rã, sân khấu nhỏ với tấm phông đề chữ "Trung thu muộn – Vì môi trường sống của chúng em" sáng rực. Bên cạnh sân khấu là mâm ngũ quả tạo hình các con vật, không có bánh nướng, bánh dẻo, đèn ông sao. Tấm bạt rộng trải dưới sân nhanh chóng lấp đầy bởi gần 200 đứa trẻ với khuôn mặt háo hức.

"Hoàn cảnh bắt buộc, các con phải tạm đi khỏi đây, không được đón Trung thu như mọi năm. Dù muộn, thay mặt phụ huynh trong khu, chúc các con có một đêm Trung thu vui vẻ", ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban quản trị chung cư A1 phát biểu khai mạc.

Sau màn múa lân sôi động, lần lượt tiết mục văn nghệ biểu diễn trong tiếng hò reo của những đứa trẻ. "Cháu rất vui khi gặp lại các bạn. Trung thu cháu vẫn được bố mẹ đưa đi chơi nhưng cháu vẫn muốn được quay về chơi ở khu nhà mình", cháu Trương Thanh Hải (11 tuổi) chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lâm, 42 tuổi, mẹ của bé Hải cho biết, gia đình chị mới dọn về nhà cách đây bốn ngày. Sau đám cháy Rạng Đông, gia đình chị phải đi thuê nhà cách đó 3km với giá 7 triệu đồng mỗi tháng. "Biết tin nhà kho đã được thu dọn tẩy độc gần xong tôi mới dám đưa con về. Một tháng qua, mọi sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn, nhất là việc học tập của các cháu", chị Lâm nói.

Trung thu muộn ở khu dân cư gần kho Rạng Đông - Ảnh 2.

Gần 200 trẻ em ở khu đô thị 54 Hạ Đình (Thanh Xuân) được tổ chức Tết Trung thu muộn. Ảnh: Tất Định

Bà Nguyễn Thị Giáp, 66 tuổi, chạy qua chạy lại với mấy đứa cháu nhỏ. Ba con của bà lập gia đình về đều sống cùng khu đô thị này, khi xảy ra đám cháy đều chuyển đi hết. "Con cháu qua nhà thông gia ở tạm, đi cùng thì bất tiện nên vợ chồng tôi ở lại. Nhà vắng tiếng trẻ con, hai ông bà buồn chẳng muốn ăn uống gì, đêm đến cũng không ngủ được", bà Giáp kể.

Những người hàng xóm tụ thành từng nhóm trò chuyện, hỏi thăm nhau về cuộc sống trong quãng thời gian đi thuê nhà và lên kế hoạch dọn dẹp vệ sinh khu đô thị. Chiều 5/10, Binh chủng Hóa học hoàn thành nhiệm vụ tiêu tẩy thủy ngân, trả lại không gian an toàn ở quanh kho Rạng Đông nhưng một số gia đình vẫn chưa trở về nhà.

Chị Quỳnh Anh (38 tuổi) đưa con gái về chơi Trung thu muộn và tranh thủ lấy thêm một số đồ đạc. Gia đình chị gồm 6 người vẫn đang thuê căn hộ ở Royal City, cách đó 2,5km với giá 20 triệu đồng. Hợp đồng đã trả tiền trước 3 tháng nên chị quyết định tiếp tục ở nhà thuê cho đến khi hết thời hạn.

"Con tôi vẫn hỏi khi nào mình về nhà. Tôi giải thích cho cháu về sự cố đám cháy, lý do phải chuyển đi. Có lẽ cháu cũng đủ lớn để hiểu được phần nào đó. Tôi mong rằng sẽ không xảy ra những sự việc tương tự nữa", chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Đám cháy nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (số 87-89 phố Hạ Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra lúc 18h ngày 28/8, đến 3h30 ngày 29/8 mới được dập tắt hoàn toàn.

Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy từ 15,1 kg đến 27,2 kg, trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.

Hai tuần sau vụ cháy, nhà chức trách công bố nguyên nhân sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng (đèn led) bên trong tầng 2 kho bán thành phẩm, sau đó lan ra xung quanh.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.