VietNamNet giới thiệu bài viết của TS Hoàng Ngọc Vinh.
Câu chuyện đơn giản - phụ huynh hoàn toàn có quyền đòi hỏi nhà trường phải cung cấp dịch vụ giáo dục tốt - đã thành cuộc tranh cãi lớn: Phương pháp giáo dục ngay cả ở những trường có thương hiệu liệu đã hoàn hảo?
Nội quy học sinh của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). |
Dư luận nổi sóng, đa phần không đồng tình của cách thức giáo dục, đặc biệt kỷ luật vượt quá mức cho phép. Nhiều phụ huynh và học sinh cũ của đều không đồng tình về cách thức giáo dục mà Trường THPT Lương Thế Vinh đã và đang thực hiện nhiều năm nay.
Tuy nhiên, vẫn có luồng ý kiến cho rằng học sinh bây giờ hư, thiếu tôn trọng bạn bè và giáo viên, việc kỷ luật như vậy là phù hợp. Hơn nữa, lựa chọn vào học ở đâu thì cũng là sự tự nguyện kiểu "thuận mua vừa bán"...
Các trường có "thương hiệu" cao và thu hút các học sinh xuất sắc chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, và thường tập trung vào các gia đình có thu nhập khá giả (vì học phí và các khoản học luyện thêm khá cao).
Theo quy luật bình thường các cháu từ tiểu học đã có thói quen học tập tốt và là học sinh xuất sắc thì thường là ngoan. Tuy nhiên, do chuyển cấp học, các em phải mất thời gian làm quen với môi trường mới, với các mối quan hệ mới về bạn học và thầy cô. Rất có thể, các em bị shock khi đến một môi trường mới mà chưa kịp nắm bắt những quy định của nhà trường và rất dễ tổn thương tâm lý.
Hơn nữa, những hành vi của trẻ thường thay đổi theo lứa tuổi và hoàn cảnh sống, đòi hỏi các kỹ sư tâm hồn hiểu biết từng cá nhân trẻ để khuyên bảo, tôn trọng và tránh làm hư hại đến mối quan hệ thày trò và nhà trường.
Việc kỷ luật học sinh trong quan hệ "bất đối xứng", tinh thần dân chủ chưa quán triệt sâu sắc... hoàn toàn dễ dàng không mấy khó khăn trong bất kỳ trường lớp nào. Có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt khá cực đoan như dọa dẫm, phạt lao động công ích, bêu khuyết điểm của học sinh vi phạm trước lớp, hoặc có thể liên tục thông báo cho gia đình... Trường cũng thiếu cơ chế nhận và tiếp thu, xử lý những phàn nàn của phụ huynh và học sinh một cách tích cực, hiệu quả.
Các cháu còn nhỏ tuổi chưa thể phân biệt được cái đúng hay cái sai trong hành vi như người trưởng thành vì vậy mọi kỷ luật ở mức quá cần thiết đều có thể để lại những di chứng cho trẻ trong những năm tháng học ở nhà trường và sau này.
Tuy nhiên, còn hình thức khác mà một số nhà giáo dục gọi là kỷ luật tích cực là động viên, khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng lòng ham học. Hình thức này dẫn đến ý thức kỷ luật một cách tự giác, nâng cao năng lực và lòng tin của học sinh và thầy cô, thể hiện sự tôn trọng trẻ một cách có văn hóa, mang tính giáo dục cao và trẻ dễ tiếp thu sự phê bình hơn. Nói cách khác, đó là hình thức kỷ luật phòng ngừa không trừng phạt.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). |
Một nghiên cứu về giải quyết bất bình đẳng trong hình thức kỷ luật thông qua việc khôi phục công bằng về kỷ luật cho thấy: Hình thức kỷ luật không trừng phạt có hiệu quả cao về an toàn lớp học, thành tích và tỷ lệ học sinh đến lớp cao hơn, cải thiện được bầu không khí học tập hơn là lớp học với việc sử dụng thường xuyên biện pháp đe dọa hoặc đuổi học.
Nghiên cứu cũng cho thấy những học sinh bị trừng phạt quá nghiêm khắc dễ dẫn đến có xu hướng dễ nổi loạn, mang trong lòng thù hận, thiếu trung thực và dễ mất đi mối liên hệ giữa trẻ và cha mẹ.
Nghiên cứu nội quy của một số trường, ví dụ như trường Lương Thế Vinh, áp dụng trong thời gian qua, tôi có phần đồng ý mục đích nhằm ngăn ngừa những vi phạm có thể xảy ra. Tuy nhiên, cũng có những điều rất không đồng tình, cần phải điều chỉnh.
Cụ thể, học sinh đi muộn 5 phút thì phải lao động công ích trong thời gian còn lại của tiết học là một quy định hết sức phản cảm, và đó không phải là biện pháp giáo dục tích cực đối với học sinh. Luật pháp không cho phép nhà trường được hành xử như vậy.
Sở GD-ĐT Hà Nội nên chấn chỉnh sớm và quán triệt trong các trường toàn thành phố về vấn đề nội quy trong nhà trường, về
giải pháp hài hòa mối quan hệ giữa phụ huynh với nhà trường, và giữa thầy cô giáo với học sinh. Và nên có đường dây nóng ở cơ quan quản lý để phụ huynh, học sinh, giáo viên phản ánh, nhằm tránh đi những sự việc đáng tiếc, tổn thương đến con trẻ.
Để tránh sự cố đáng tiếc, các vị phụ huynh muốn gửi gắm con em vào các trường có “thương hiệu” cần tìm hiểu kỹ những nội quy của nhà trường,
phối hợp với nhà trường xây dựng nội quy và giáo dục con em mình tuân thủ nội quy. Đó cũng là một cách giáo dục trẻ về tính kỷ luật.
Việc kỷ luật, trừng phạt khi học trò vi phạm thì dễ hơn là giúp cho các em trưởng thành bằng lòng nhân ái. Nhưng gieo lòng nhân ái, chúng ta sẽ gặt hái được lòng nhân ái trong tương lai.
Trẻ ở lứa tuổi đang lớn rất nhiều thứ: cần được chỉ bảo khuyên giải từ phía gia đình và thầy cô,
đòi hỏi thầy cô công sức và thời gian (với một lớp học quá đông thì đây là công việc rất thách thức); cần sự thấu cảm với hoàn cảnh, cần sự tôn trọng nhân phẩm từ chính thầy cô giáo.
Người lớn, ở đây là thầy cô, tránh hù dọa trẻ bằng các biện pháp "xử lý", hay quá thường xuyên thông báo cho phụ huynh, vì thâm tâm trẻ không bao giờ muốn cha mẹ biết những lỗi của mình.
Bức tranh của học sinh Lương Thế Vinh được 'đầu giá' 35 triệu đồng Tại Lễ hội Trung thu 2017 tại Trường Lương Thế Vinh, "cuộc đấu giá" các bức tranh đã thu về hơn 80 triệu đồng để ... |