Truy đuổi khiến kẻ cướp chết nên xử thế nào?

Vụ việc hai đối tượng cướp giật túi xách của người đi ôtô. Sau đó người lái ôtô truy đuổi khiến tên cướp bị tai nạn rồi chết do vỡ bàng quang, đang được công an điều tra làm rõ.


Truy đuổi khiến kẻ cướp chết nên xử thế nào? - Ảnh 1.

Ôtô bị vỡ phần đầu sau khi xảy ra vụ việc. (Ảnh: Minh Hòa).

Người dân có quyền truy đuổi kẻ cướp để bảo vệ tài sản của mình hoặc của người bị cướp. Vậy nếu xảy ra việc chết người trong quá trình bắt giữ tội phạm thì có cần xem xét miễn trách nhiệm hình sự hay không?

Bị xử về hành vi vi phạm an toàn giao thông?

Theo một thẩm phán hiện đang làm việc tại TP HCM, người bị cướp có quyền đuổi theo tên cướp để bảo vệ tài sản cho mình. Tuy nhiên, khi sử dụng phương tiện giao thông là ôtô để truy đuổi mà gián tiếp gây ra tai nạn khiến kẻ cướp chết thì có thể bị xử lý về hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Vị này cũng cho biết trước đây tòa án TP HCM đã xử một tài xế vì đuổi theo cướp dẫn đến tên cướp bị tai nạn giao thông và tử vong. Tuy nhiên vị này cũng cho rằng việc quy trách nhiệm hình sự cho người bảo vệ tài sản hợp pháp của mình là không hợp tình.

Bởi thực tế, trên địa bàn TP hoặc những địa bàn khác đã có những vụ nạn nhân của hành vi cướp giật truy đuổi đến cùng tội phạm. Sau khi đuổi kịp họ cũng lao phương tiện của mình vào xe của các đối tượng cướp giật rồi sau đó cùng người dân khống chế và bắt cướp.

Hành vi này được người dân và các cơ quan chức năng ngợi khen. Vậy phải hiểu rằng người mất tài sản, hoặc người dân hoàn toàn có quyền ngăn cản hoặc bắt giữ người phạm tội quả tang.

Còn luật sư Bùi Thị Hồng Giang (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng vụ truy đuổi tên cướp bằng ôtô thì chưa rõ việc vỡ bàng quang là do cú tông của ôtô vào xe máy hay do xe máy tự đâm gây tai nạn. Trong tình huống người lái xe cố tình lao ôtô vào xe của tên cướp dẫn đến tử vong thì mới xem xét được lỗi cố ý. Còn nếu chỉ do bất ngờ chiếc xe máy ngã ra mà ôtô không tránh kịp thì hoàn toàn không phải lỗi cố ý.

Bà Giang cũng cho rằng ngay cả trong trường hợp pháp luật quy định hành vi truy đuổi của người lái ôtô khiến tên cướp bị chết thì cũng không thể quy lỗi cho người bảo vệ tài sản của mình bởi đây là việc bảo vệ tài sản hợp pháp.

Việc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự người truy đuổi cướp không khác nào việc đánh trộm vào nhà cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây rõ ràng là sự bất cập của pháp luật hiện nay. Pháp luật không bảo vệ người có tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở mà lại bảo vệ cho hành vi vi phạm pháp luật.

"Nếu xem xét trách nhiệm hình sự tài xế ôtô thì rất khó để người dân tích cực phòng chống tội phạm. Bởi chính người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình và cộng đồng cũng không được pháp luật bảo vệ thì không ai dại gì liều mạng mình để đối mặt với nạn cướp giật" - bà Giang nói.

Truy đuổi khiến kẻ cướp chết nên xử thế nào? - Ảnh 2.

Chiếc xe máy của hai tên cướp sau khi bị truy đuổi. (Ảnh: Minh Hòa).

Không nên xem xét trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trong trường hợp này, nếu đối tượng Nguyễn Thế Ngọc vỡ bàng quang là do hậu quả của việc tự đâm xe vào tường, thì việc anh Bảo lái xe đuổi theo đối tượng Ngọc không phải là căn cứ để có bất cứ chế tài nào, dù là hành chính hay hình sự đối với anh Bảo.

Còn trong trường hợp hai đối tượng đâm xe vào tường và tiếp đó bị anh Bảo lái ôtô đâm thẳng vào người khiến cho đối tượng Ngọc vỡ bàng quang dẫn đến tử vong, theo pháp luật Việt Nam hiện hành, anh Bảo có khả năng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 24 Bộ luật hình sự quy định về việc gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội như sau: Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra không loại trừ khả năng đối tượng Ngọc bị vỡ bàng quang vì những nguyên nhân khác, không liên quan đến việc bị đâm xe vào tường cũng như bị anh Bảo đâm ôtô vào người. Tất nhiên chết vì nguyên nhân nào chắc chắn sẽ được cơ quan điều tra làm rõ.

"Theo quan điểm của tôi, giả sử đối tượng Ngọc bị vỡ bàng quang là do anh Bảo lái ôtô đâm vào người, cũng nên xem xét miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đến mức tối đa cho anh Bảo. Bởi lẽ hành vi của hai đối tượng cướp giật là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tội cướp giật tài sản được pháp luật hình sự xếp vào loại tội đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu không có những biện pháp trấn áp quyết liệt, trừng trị nghiêm minh, e rằng tình trạng này sẽ không thể thuyên giảm, nhất là trong bối cảnh TP.HCM là địa phương có tội phạm cướp giật xảy ra thường xuyên gây bức xúc cho người dân trên địa bàn" - luật sư Giang Hồng Thanh nói.

Cướp túi xách chết vì... vỡ bàng quang

Khoảng 3h ngày 26/4, anh Hoàng Quốc Bảo (21 tuổi) lái ôtô chở hai người thân dừng xe trên xa lộ Hà Nội (P.Phước Long A, Q.9, TP.HCM) để đi vệ sinh. Bất ngờ, hai nam thanh niên đi xe máy áp sát giật túi xách của nhóm anh Bảo rồi phóng xe bỏ chạy.

Anh Bảo lái ôtô đuổi theo. Chạy đến đường Thủy Lợi, P.Phước Long A thì hai tên cướp tông vào tường ngã nhào. Anh Bảo lái ôtô theo sau không kịp xử lý nên lao vào hai tên cướp. Sau đó cả nhóm khống chế được một đối tượng giao công an, đối tượng còn lại tẩu thoát.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai tên Nguyễn Thế Ngọc (37 tuổi). Trong lúc làm việc, Ngọc có biểu hiện bất thường nên công an đưa đi cấp cứu ở bệnh viện và tử vong sau đó. Bệnh viện Q.9 cho biết Ngọc chết do bị vỡ bàng quang.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.