TS Cấn Văn Lực: Đấu giá đất tạo mặt bằng không lành mạnh, gây thách thức cho thị trường BĐS

Thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều thách thức như thiếu nguồn cung, giá năng lượng và nguyên vật liệu tăng nhanh, đấu giá đất không lành mạnh...

Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2021 - 2022 được tổ chức sáng 15/3, TS Cấn Văn Lực cho biết, lĩnh vực bất động sản và xây dựng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

Theo chuyên gia, nền kinh tế sẽ phục hồi khá nếu Việt Nam thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, cũng như chú trọng đến quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công và Chiến lược phát triển nhà ở 2021 - 2023. 

Hiện nay, các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; tăng chi đầu tư phát triển; hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng hỗ trợ cho thị trường. 

Ngoài ra, các vấn đề về pháp lý như Nghị định 148 về đất đai, Nghị định 69 về cải tạo chung cư cũ, Nghị định 30 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, 1 Luật sửa 9 Luật vừa được thông qua, các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản dự kiến sửa đổi năm 2022 - 2023, ban hành sửa đổi Nghị định về khu công nghiệp… đã và đang được tháo gỡ. 

Tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam cũng đang ngày càng tăng lên, nếu năm 2020 là 40% thì dự kiến đến năm 2025 tăng lên 45% và đạt 50% vào năm 2030. Quá trình chuyển đổi số cũng diễn ra mạnh mẽ, các quỹ REITs được thành lập, thị hiếu khách hàng thay đổi sau đại dịch.

Về đầu tư hạ tầng giao thông 2021 - 2025, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư là 147.000 tỷ đồng đang được đẩy mạnh triển khai; đầu tư cơ sở hạ tầng từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 (113.550 tỷ đồng) và các chương trình đầu tư công khác (sân bay, cầu cảng, nông thôn mới...).

Trong năm 2021, nguồn vốn tín dụng bất động sản đã tăng khoảng 12% với tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng hai triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ của nền kinh tế (cho vay nhà ở chiếm 65% tương đương 1,3 triệu tỷ đồng, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản. Vốn tư nhân và vốn FDI cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt; lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành gấp ba lần năm 2020.

Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản thời gian tới cũng vấp phải các thách thức như nguồn cung sản phẩm sẽ chưa dồi dào ngay; giá năng lượng và nguyên vật liệu tăng nhanh (trong hai tháng đầu năm tăng 2%). 

Chính phủ chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp (sửa đổi Nghị định 153) cũng tác động đến thị trường. 

Bên cạnh đó, các cuộc đấu giá đất đã tạo ra một mặt bằng không lành mạnh. Giá bất động sản vẫn tăng, đặt ra câu hỏi liệu sẽ có điều chỉnh trong thời gian tới.

Cuối cùng, Thông tư 16/TT-NHNN kiểm soát đầu tư của tổ chức tín dụng vào trái phiếu bất động sản; chương trình đánh thuế bất động sản cũng là một yếu tố tác động đến thị trường. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.