Quy hoạch 'treo', 'thổi giá' đất qua đấu giá gây bức xúc, thiệt hại cho nhóm người có nhu cầu sử dụng thực

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác quản lý đất đai còn để tồn tại các vấn đề quy hoạch "treo", "thổi giá" đất thông qua đấu giá gây bức xúc, thiệt hại cho người sử dụng đất, làm ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và xây dựng Luật Đất đai sửa đổi. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cũng đã có văn bản góp ý, trong đó chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý đất đai.

Cụ thể, theo báo Tài nguyên và Môi trường, Bộ cho biết, bên cạnh những yếu tố tích cực thì chế độ sử dụng các loại đất chưa phát huy được hiệu quả theo quy hoạch sử dụng đất, tình trạng lãng phí đất đai còn diễn ra. 

Ở một số nơi, các loại đất đưa vào sử dụng hiệu quả chưa cao, người sử dụng đất còn lợi dụng việc giao đất, cho thuê đất để chuyển nhượng ngầm. Việc giảm quá nhiều diện tích đất nông nghiệp và trồng lúa dẫn đến tình trạng nông dân mất ruộng, không có việc làm và đây là một trong những nguyên nhân của các tệ nạn xã hội.

Đáng chú ý là vấn đề quy hoạch "treo" gây bức xúc cho người sử dụng đất, làm ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống người dân. Công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư tại một số khu đô thị còn chậm so với tiến độ yêu cầu. Việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương vẫn chậm. Tài chính về đất đai chưa linh hoạt, giá đất đền bù còn bất cập so với giá thị trường.

Vấn đề "thổi giá" đất thông qua đấu giá cũng là một điểm nóng, gây bức xúc và thiệt hại cho một bộ phận người dân có nhu cầu sử dụng đất thực. Tình trạng đấu giá cao sau đó bỏ cọc, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính còn xảy ra mạnh trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp có các cơ sở nhà, đất có tranh chấp, lấn chiếm với người dân hoặc với công chức, viên chức của đơn vị đã nghỉ hưu chưa xử lý được dứt điểm, kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân là vì chưa có chế tài cưỡng chế thực hiện, chưa nhận được sự quan tâm, phối hợp của chính quyền địa phương.

Cũng theo nhận định của Bộ LĐTB&XH, việc cấp mới hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng còn nhiều vướng mắc, một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành với các Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở...

Để tháo gỡ những bất cập trên, Bộ đề xuất điều chỉnh Luật Đất đai năm 2013 đảm bảo đúng, phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng đất; thống nhất với các luật khác như Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Quản lý tài sản công, Luật Đầu tư...

Bộ cho rằng cần sửa đổi, tạo điều kiện cho người sử dụng đất nông nghiệp có thể chuyển đổi linh hoạt cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình phụ trợ trên đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đối với từng loại đất nông nghiệp phù hợp với từng vùng, miền.

Đặc biệt, cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai, trong đó tăng cường năng lực của cơ quan thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm về đất đai.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.