Loạt tỉnh thành siết chặt hoạt động kinh doanh BĐS, huy động vốn dự án trái phép

Từ đầu năm đến nay, nhiều tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hải Phòng, Gia Lai, Vĩnh Phúc... đã lần lượt ban hành các văn bản, chỉ đạo siết chặt hoạt động liên quan đến chuyển nhượng, kinh doanh, thu thuế bất động sản.

Nhiều giao dịch kê khai giá thấp hơn thực tế

Cuối năm 2021, đầu 2022, Bộ Tài chính đã liên tiếp có các văn bản số gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế và UBND các tỉnh/thành về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Sau đề nghị của Bộ Tài chính, nhiều địa phương đã chỉ đạo siết chặt, kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn, đặc biệt là vấn đề kê khai giá trên hợp đồng mua  bán, chuyển nhượng.

Loạt tỉnh thành 'siết' kinh doanh BĐS: Bà Rịa - Vũng Tàu cảnh báo kê chênh giá, Gia Lai chấn chỉnh huy động vốn dự án  - Ảnh 1.

Loạt tỉnh thành ban hành văn bản chống thất thu thuế kinh doanh bất động sản, chấn chỉnh hoạt động huy động vốn khi chưa đủ điều kiện. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Đơn cử như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 23/2, Cục Thuế tỉnh này đã có khuyến nghị về việc nâng cao chấp hành pháp luật thuế chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản. Trong đó nêu rõ, thời gian qua, nhiều giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn đã kê khai giá trên hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá giao dịch thực tế thị trường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả bên mua và bên bán. 

Một trong những rủi ro quan trọng là vi phạm về pháp luật thuế, hành vi trốn thuế. Tại Điều 200 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định hành vi trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự hoặc mức thấp hơn nhưng đã bị xử lý hành chính về hành vi trốn thuế.

Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến nghị tới các tổ chức, cá nhân khi phát sinh hoạt động mua bán, chuyển nhượng bất động sản phải thực hiện các thủ tục kê khai cẩn thận, đúng giá, trung thực theo giá thỏa thuận thực tế và chấp hành tốt quy định về pháp luật thuế. 

Các văn phòng công chứng hướng dẫn chính sách pháp luật về thực hiện giao dịch bất động sản theo đúng quy định. Trường hợp khi mua bán đã ghi sai giá trên hợp đồng công chứng, cần đề nghị người bán và người mua thực hiện công chứng lại theo đúng giá thực tế và thực hiện các thủ tục tiếp theo tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện và cơ quan thuế. Trường hợp vì lý do bất khả kháng không thể công chứng lại, đề nghị người mua, người bán chủ động kê khai lại giá trên tờ khai thuế TNCN, lệ phí trước bạ và bổ sung tờ khai để chấp hành quy định pháp luật thuế.

Trước đó, ngày 28/1, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng ban hành văn bản chỉ đạo số 290 về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Trong đó, yêu cầu Cục Thuế chỉ đạo thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với các doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản; rà soát kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp kê khai thuế của người nộp thuế kinh doanh bất động sản, từ đó xác định các trường hợp có rủi ro cao về thuế để bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Cục Thuế cũng chủ trì xây dựng cơ chế liên thông với Sở Tài nguyên và Môi trường trong cung cấp thông tin chuyển nhượng bất động sản khi xây dựng Bảng giá đất; thu thập thông tin, điều tra, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo sát với giá đất phổ biến trên thị trường.

Sở Tư pháp Bắc Ninh yêu cầu các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán. Ngoài ra, hàng tháng cung cấp cho cơ quan thuế danh sách tổ chức, cá nhân có hợp đồng công chứng chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản theo từng địa bàn cấp huyện để cơ quan thuế đối chiếu, rà soát đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện khai thuế và nộp thuế theo quy định.

Chấn chỉnh hoạt động huy động vốn dự án

Bên cạnh hoạt động kinh doanh bất động sản, UBND tỉnh Gia Lai cũng ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động huy động vốn các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

Theo nội dung văn bản số 399 ban hành ngày 4/3, thời gian qua, thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn Gia Lai có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.

Tuy nhiên, có một số nhà đầu tư chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp như các hành vi: Tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện; công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh không phù hợp với quy định; quảng cáo, giới thiệu sản phẩm chưa đúng với quy hoạch xây dựng...

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, một trong các giải pháp được nêu ra là Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra các dự án bất động sản trên địa bàn; xử lý nghiêm các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào giao dịch, kinh doanh. Sở cũng chủ trì theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai của các chủ đầu tư.

UBND các địa phương cần tăng cường quản lý các hoạt động môi giới có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; kịp thời kiểm tra ngăn chặn các thông tin, hình thức rao bán, quảng cáo thổi phồng dự án, nhất là các dự án chưa đầy đủ quy trình thủ tục và chưa đầu tư xây dựng, đấu nối hạ tầng.

Mới đây, Sở Xây dựng Long An cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư dự án bất động sản vi phạm xây dựng và không có giấy phép xây dựng. Các chủ đầu tư này gồm Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh BĐS Long Thượng Lộc; Công ty TNHH MTV DV và XD Gia Thịnh.

Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt nhiều chủ đầu tư dự án khu dân cư vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, gồm CTCP Đầu tư Xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An; Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Mỹ Kim Long; CTCP Thương mại Dịch vụ Xây dựng và XNK Trung Thành.

Giao công an điều tra đối tượng "thổi giá", tạm dừng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án phân lô, bán nền

Ngày 7/3 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

Chỉ thị nêu rõ, gần đây tại các khu vực có quy hoạch xây dựng, dự kiến thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp… có dấu hiệu hoạt động đầu cơ mua đi bán lại đất đai, bất động sản gây "sốt ảo" trên thị trường.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật; quảng cáo, rao bán sản phẩm của dự án khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục gây ảnh hưởng đến thị trường, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Vì thế, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Xây dựng không xem xét giải quyết những đề xuất mới về chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các dự án, bán nền tại các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở trên địa bàn. Thông tin công khai chủ trương này của UBND tỉnh Vĩnh Phúc lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng để các tổ chức, cá nhân biết.

Sở cũng cần kịp thời phát hiện, tham mưu các biện pháp ngăn chặn, xử lý hiện tượng đầu cơ bất động sản theo quy định, không để xảy ra tình trạng sốt giá và "bong bóng" bất động sản trên địa bàn. 

Đặc biệt, Công an tỉnh Vĩnh Phúc được giao theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sốt ảo; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, thổi giá, làm thị trường tạo cơn sốt đất ảo để kiếm lời. Xử lý kịp thời các trường hợp cố tình gây rối, làm mất an ninh trật tự tại địa phương theo quy định.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.