TS. Cấn Văn Lực: Không nên dùng tiền để giải cứu bất động sản

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng không nên dùng vốn ngân sách để giải cứu thị trường bất động sản, mà phải dùng cơ chế, chính sách.

Thị trường địa ốc năm qua đã ghi nhận nhiều dấu hiệu trầm lắng. Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, nguồn cung bất động sản nhà ở ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm).

Tỷ lệ tiêu thụ toàn thị trường cũng chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%.

Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư; thiếu vắng sản phẩm nhà ở bình dân. (Nguồn: VARS).

Phát biểu tại hội thảo “Bắt mạch thị trường bất động sản Việt Nam và dự báo 2023” ngày 3/1, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn. Tình trạng này kéo dài khiến sức khoẻ thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp ngày càng suy giảm. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục có những giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Thị trường sẽ dần ấm lên và hoạt động ổn định. 

“Nguồn cung trong tương lai từ một lượng lớn các dự án giá trị ước đạt khoảng 30 tỷ USD, đặc biệt là các dự án phù hợp với nhu cầu như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội,... sẽ dần được đưa vào thị trường ngay khi các chính sách vĩ mô được điều chỉnh”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Cùng đánh giá về thị trường bất động sản 2022, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV cho biết, có 6 yếu tố đã chi phối, tác động đến thị trường bất động sản, là nguyên nhân chính của sự sụt giảm thị trường trong năm 2022 và cả 2023. 6 yếu tố bao gồm: kinh tế vĩ mô (tỷ giá, lãi suất, lạm phát, thu nhập…); pháp lý và quản lý, giám sát; quy hoạch và cơ sở hạ tầng; tài chính; cung - cầu và giá bất động sản; thông tin, dữ liệu và tính minh bạch.

 (Nguồn: Tham luận của TS. Cấn Văn Lực).

Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2023 Chính phủ sẽ ưu tiên xử lý các vấn đề về pháp lý, nút thắt vốn (trong đó có đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản), kiểm soát rủi ro hệ thống (liên thông giữa tài chính - bất động sản), tái cấu trúc doanh nghiệp và thị trường. 

“Tôi kiến nghị không nên dùng vốn ngân sách để giải cứu thị trường, mà phải dùng cơ chế, chính sách. Cơ chế, chính sách mới là thứ quý giá, cần thiết cho thị trường bất động sản lúc này”, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.

Trong năm vừa qua, có những chính sách lớn đã tác động đến thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho biết, sắp tới một số chính sách sẽ được Chính phủ chỉ đạo sửa đổi theo hướng cởi mở hơn, tháo gỡ khó khăn và có lộ trình phù hợp như Nghị định 65 (2022) sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Thông tư 16 (2021) của Ngân hàng Nhà nước… 

Bên cạnh đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi các luật liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Thực tế từ tháng 11/2022, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản.

Trong 4 ngày liên tiếp của tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có 4 công điện về 4 vấn đề nóng, gồm: cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường lao động. 

Theo chuyên gia, nếu nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong 4 công điện trên được thực hiện tốt sẽ trở thành một động lực rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trong năm 2023. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.