Phát biểu tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016 - 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 diễn ra ngày 21/8, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết ngành giáo dục thành phố đang tích cực xây dựng “Đề án tổng thể phát triển giáo dục tới năm 2030".
![]() |
Lãnh đạo TP HCM đưa ra đề xuất muốn xin cơ chế đặc thù cho giáo dục tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016 - 2017. Ảnh: Đình Tuệ. |
Mục tiêu nhằm đưa giáo dục thành phố tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến ở khu vực và thế giới. Theo đó, TP HCM sẽ xây dựng bộ SKG riêng phù hợp với thực tiễn của địa phương này, giao quyền tự chủ nhân sự và tự chủ tài chính cho các trường, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế giáo viên. Đây là địa phương đầu tiên đưa ra đề xuất này với lãnh đạo Bộ GD&ĐT ở một hội nghị công khai như thế này.
Trao đổi với chúng tôi về những đề xuất này của TP HCM, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc này là cần thiết đối với một thành phố lớn và năng động bậc nhất của cả nước.
![]() |
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ. |
TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích: "TP HCM xin được cơ chế đặc thù cho giáo dục cũng là một nhu cầu hết sức chính đáng để có những chính sách phù hợp với địa phương họ. Nhưng để xin được cơ chế đặc thù này cũng không phải dễ, phải có nhiều cấp thì mới giải quyết được vấn đề này. Những đề xuất của họ cũng là những điều hết sức đáng quan tâm.
Về việc TP HCM muốn xin soạn riêng bộ SGK cho mình tôi nghĩ về mặt năng lực, họ hoàn toàn có đủ khả năng để làm. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét xem đã đến lúc làm việc này hay chưa để tránh lãng phí không cần thiết.
Nếu mỗi tỉnh thành đều xin làm riêng một bộ sách riêng thì sẽ ra sao? Tại sao chúng ta không tập trung vào 1 bộ sách dùng chung cho cả nước để nâng cao chất lượng nó lên?
Riêng việc TP HCM xin muốn xin được tự chủ cho các trường học về tài chính, nhân sự tôi thấy rất đúng. Chúng tôi cũng đang bàn và kiến nghị nên áp dụng mô hình tự chủ này cho các trường trên phạm vi cả nước. Cơ chế tự chủ trong các trường đại học chúng ta làm đang bị chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra".
Vị lãnh đạo Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng nêu quan điểm: Thực chất các trường học là đơn vị tổ chức để tạo ra sản phẩm chất lượng giáo dục. Trường học như là một xí nghiệp, một đơn vị sản xuất hoàn toàn được tự chủ thì họ mới làm được, mới gắn được quyền lợi người lao động ở đấy với chất lượng của sản phẩm. Từ đó mới tạo ra được thương hiệu riêng và chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, điều này không chỉ đúng với TP HCM thôi mà chúng ta cần phải kiến nghị nên áp dụng tự chủ cho tất cả các trường học ở tất cả các cấp trên toàn quốc. Giáo dục là một hình thức dịch vụ công, đối tượng phục vụ ở đây là con người. Phải gắn với quyền lợi người dạy với chất lượng giáo dục từng nơi một thì người ta mới tự chịu trách nhiệm.
![]() |
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, mỗi trường đều có đặc thù riêng nên đòi hỏi được trao cơ chế tự chủ cũng là chính đáng. Ảnh minh họa. |
Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng nêu quan điểm: "Bản thân các trường dân lập đã và đang thực hiện quá trình tự chủ rồi. Họ phải tự lo tự làm mọi thứ và chiến đấu trong cơ chế thị trường. Một là anh thành công đi lên, hai là anh sẽ thất bại và ở lại phía sau.
Có thể lãnh đạo Bộ vẫn chưa tin năng lực của các nhà trường, bài toán là phải làm tốt công tác đào tạo cán bộ ở các địa phương để họ có đủ năng lực đứng lên lãnh đạo.
Một số cán bộ quản lý của chúng ta vẫn còn khá 'bảo thủ', quản lý theo kiểu 'chỉ huy, bao cấp' giống thời trước đây. Điều này không phù hợp với từng địa phương, không lo hết được rất nhiều chuyện của ngành giáo dục. Nếu việc nào hợp thì trường họ sẽ tự làm sẽ tốt hơn".
Ngoài ra, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng chỉ rõ, các nhà trường cần được tự chủ ở các khía cạnh bao gồm:
Thứ nhất, là tự chủ về thực hiện chương trình giảng dạy của trường và sẽ có đánh giá kèm theo.
Thứ hai, tự chủ về nhân sự: Nhà trường họ sử dụng người lao động như thế nào, trả lương ra sao, thêm ai bớt ai...đấy là việc của trường họ. Khi đó, kinh phí nhà nước giao thì sẽ sử dụng nguồn kinh phí đó theo Luật mà Nhà nước đã quy định. Trường họ muốn nâng cao thu nhập cho giáo viên cũng khó.
Bên cạnh đó, một số thiết bị vật tư do Sở, Phòng GD&ĐT mua nhưng nhiều nơi không dùng được và vẫn để trong kho gây lãng phí. Nếu tự chủ thì người ta sẽ mua những thiết bị mới có độ bền cao hơn để sử dụng.
![]() | Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việc 'đặt hàng' bồi dưỡng giáo viên làm chưa đến nơi đến chốn Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc đặt hàng đào tạo bồi dưỡng chuyển đổi giáo viên đã nói từ nhiều năm nay nhưng ... |