Xây dựng hệ thống giáo dục mở
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – cho rằng, Dự thảo 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện tập trung vào ba nhóm chính sách này. Tuy nhiên thực tiễn thi hành Luật Giáo dục cho thấy còn một số vấn đề quan trọng nữa cũng cần được xem xét trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.
Góp ý về nội dung Khung trình độ quốc gia(KTĐQG), TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – cho rằng, đây là một công cụ quản lý giáo dục mới được đưa vào giáo dục thế giới khoảng 20 năm nay, gắn liền với xu thế phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo với sử dụng và xây dựng hệ thống giáo dục mở,học tập suốt đời.
Nếu hệ thống giáo dục quốc dân, kể cả hệ thống mô tả theo phân loại ISCED, tập trung vào các yếu tố đầu vào như nội dung chương trình và thời gian học tập thì KTĐQG tập trung vào kết quả học tập đầu ra, bất kể thời gian học, nơi học và cách học.
Vì thế, ngày nay, KTĐQG là công cụ cần thiết và không thể thiếu trong việc hoàn thiện HTGDQD trên phương diện thúc đẩy học tập suốt đời và gắn đào tạo với sử dụng. Với quan niệm như vậy, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – cho rằng, cần bổ sung vào Điều 4 một Khoản 3 như sau: “Chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân được quy định trong Khung trình độ quốc gia”.
“Như vậy, việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân gắn liền với hai khái niệm mới là giáo dục mở và KTĐQG. Vì Luật Giáo dục không có Điều về giải thích từ ngữ nên việc làm rõ và quy định chi tiết về hai khái niệm này cần được thể hiện trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Điều đó có nghĩa là cuối Điều 4 cần bổ sung khoản 4 như sau: “ Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống giáo dục mở và KTĐQG” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất.
Cũng theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, việc xây dựng hệ thống giáo dục mở sẽ có tác động toàn hệ thống lên các yếu tố của giáo dục. Điều này sẽ được cụ thể hóa trong NĐ hướng dẫn thi hành luật.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: Việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục hiện nay xoay quanh ba nhóm chính sách
Học trình độ nào thì được cấp bằng của trình độ đó
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, hiện nay Điều 8 về văn bằng quy định như sau: “Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc trình độ đào tạo theo quy định của Luật này”.
Mà tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành nghĩa là học hết chương trình của bậc trình độ đó, có đủ điều kiện thì được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được công nhận tốt nghiệp (xem các điều 37 và 43).
Quy định này hiện không còn phù hợp. Trong quy định hiện nay về KTĐQG cũng đã thay đổi như sau: “Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của bậc trình độ nào thì được cấp bằng của bậc trình độ đó”.
Dự thảo 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH cũng đã sửa đổi lại quy định về văn bằng như sau: “Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở GDĐH công nhận học vị và cấp bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.
“Xét như vậy thì để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống pháp luật giáo dục, cần sửa lại câu đầu của Điều 8 như sau: “Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của bậc trình độ theo quy định của Luật này”. Cùng với việc sửa Điều 8, cần có việc sửa tương ứng các quy định của Điều 37 và 43” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi.
Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Ảnh minh họa/internet
Tăng quyền tự chủ, trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục
Về quản nhà nước về giáo dục, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nhấn mạnh: Nghị quyết 29 đã có những quy định rất rõ trong lĩnh vực này, tập trung vào một số nội dung chính sau đây:
Tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ, ngành, địa phương; phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo tinh thần đó, cần xem xét chỉnh sửa, bổ sung các điều có liên quan trong Luật Giáo dục như sau:
Điều 14, cần bổ sung vào cuối điều này mệnh đề sau: “phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục”.
Về khoản 4 Điều 100, cần bổ sung vào cuối khoản này mệnh đề sau: “chịu trách nhiệm giải trình về kết quả thực hiện chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển giáo dục của địa phương”.
Để thực hiện chương trình GDPT mới, một trong các yêu cầu đảm bảo là nhà trường phải được tự chủ về chuyên môn, tài chính và nhân sự. Vì vậy cần sửa Điều 60 theo hướng mở rộng quyền tự chủ cho các nhà trường như sau:
“Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình. Trường phổ thông, trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức, tài chính và nhân sự theo quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường". - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.