Các luật sư của chính phủ được lệnh nộp hồ sơ lên tòa án vào ngày 6/2 để bảo vệ cho sắc lệnh tạm thời cấm người tị nạn trên khắp thế giới và những người từ 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Hôm 5/2, tòa án phúc thẩm ở California đã từ chối khôi phục lại lệnh cấm sau khi một tòa án cấp dưới ngăn chặn nó.
Khi người dân từ các quốc gia mà ông Trump nhắm tới đang vật lộn để tìm đường tới Mỹ, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục bày tỏ sự giận dữ về phán xét của tòa án. Lần này, ông cáo buộc vị thẩm phán gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Phó tổng thống Mike Pence bênh vực phát biểu của ông Trump. Tuy nhiên, các luật sư và các nhà lập pháp của cả hai đảng cho rằng những bình luận của ông Trump phản ánh sự thiếu tôn trọng đối với hệ thống Hiến pháp kiểm soát và cân bằng của Mỹ.
Tổng thống Trump nói chuyện với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One hôm 3/2. Ảnh: NYT. |
Cuối ngày, ông Trump lên Twitter đổ lỗi cho thẩm phán và bộ máy tư pháp về một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra trong tương lai.
“Thật không thể tin được một thẩm phán lại đặt đất nước chúng ta vào tình trạng nguy hiểm như vậy”, ông Trump viết lên Twitter, ám chỉ “người được gọi là thẩm phán” trong vụ việc mà ông đề cập một ngày trước đó. “Nếu có chuyện gì xảy ra hãy đổ lỗi cho ông ta và hệ thống tòa án”.
Không phải ai cũng ủng hộ ông Trump như phó tướng Pence. Trước đó, các đảng viên Cộng hòa thậm chí đã cùng với phe Dân chủ chỉ trích ông Trump. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell của bang Kentucky, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, nói rằng “tốt nhất không nên chỉ trích cá nhân các thẩm phán”.
Nhà Trắng không đưa ra bằng chứng nào cho ý kiến của ông Trump về việc các phần tử khủng bố tiềm ẩn sẽ tràn qua biên giới do phán quyết đình chỉ sắc lệnh cấm nhập cư.
Theo New York Times, kể từ ngày 11/9/2001, không có người Mỹ nào bị giết hại trong các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ bởi bất cứ người nhập cư nào đến từ 7 quốc gia trong sắc lệnh của ông Trump.
Cuộc tranh luận kịch tính trên báo hiệu những trở ngại lớn nhất mà ông Trump có thể đối mặt trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Là một doanh nhân không có kinh nghiệm điều hành chính phủ, ông Trump đã cho thấy chính quyền mới của ông ưa thích hành động độc lập và không bận tâm nhiều tới hai nhánh còn lại của chính thể là lập pháp và tư pháp.
Trong khi Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát tỏ ra nao núng, hệ thống tư pháp sẽ nổi lên như là trở ngại chính đối với ông Trump.
Các đảng viên Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa cho biết cuộc công kích của ông Trump đối với hệ thống tòa án sẽ phủ bóng lên việc đề cử Thẩm phán Neil M. Gorsuch vào Tòa án Tối cao cũng như mối quan hệ của tổng thống với Quốc hội.
Các tổng thống Mỹ khác cũng từng đụng độ với cơ quan tư pháp. Tòa án Tối cao từng vô hiệu hóa một số phần trong chính sách Kinh tế Mới của Franklin D. Roosevelt, buộc Richard M. Nixon giao nộp các cuốn băng trong vụ bê bối Watergate và bác bỏ yêu cầu trì hoãn vụ kiện quấy rối tình dục của Bill Clinton.
Hai tổng thống tiền nhiệm gần nhất của Trump từng nhiều lần đấu tranh với tòa án về giới hạn quyền lực của họ.
Cơ quan tư pháp từng đưa ra phán quyết rằng George W. Bush đã vượt quyền khi tự ý lập ra tòa án xét xử các nghi phạm khủng bố và Barrack Obama đã lạm quyền khi cho phép hàng triệu người nhập cư trái phép được ở lại Mỹ.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp ngăn chặn người nhập cư Hồi giáo vào Mỹ ngày 28/1. Ảnh: Bloomberg/Getty. |
Charles Fried, bộ trưởng Tư pháp dưới thời Ronald Reagan, cho biết việc một tòa án liên bang cấp quận ở bang Washington ra phán quyết ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump cũng giống việc một tòa án cấp quận ở bang Texas ngăn ông Obama tiến hành sắc lệnh nhập cư của mình.
Tuy nhiên, hiếm có tổng thống nào đối đầu với tòa án với những lời công kích mang tính cá nhân như vậy, nhất là khi vừa mới bắt đầu nhiệm kỳ. Ông Fried, giảng viên Trường Luật Harvard, cho rằng ông Trump đang biến mọi việc trở thành “một bộ phim truyền hình dài tập” khi kịch liệt công kích một thẩm phán.
“Ông ấy không có khuôn phép gì hết. Điều này là không phù hợp, thiếu đứng đắn và thật không ra dáng tổng thống”, ông nói.
Các đảng viên Cộng hòa khác tìm cách phớt lờ cuộc tranh luận vì họ biết rằng các thẩm phán được bảo vệ khỏi những lời chỉ trích nhờ nhiệm kỳ trọn đời. Tuy nhiên, ngay cả một số đảng viên Cộng hòa cũng nhận định các tòa án có lý khi đặt nghi vấn về tính pháp lý trong sắc lệnh của ông Trump.
Thứ 6 tuần trước, Thẩm phán James Robart đã ra phán quyết đình chỉ trên toàn quốc sắc lệnh của ông Trump trong khi tính pháp lý của sắc lệnh được xem xét. Robart là thẩm phán của một tòa án liên bang cấp quận tại Seattle do ông Bush bổ nhiệm.
Chính phủ đã nhanh chóng yêu cầu Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 bác bỏ phán quyết này nhưng họ đã từ chối hôm chủ nhật tuần trước và ra lệnh cho chính phủ trình hồ sơ vào thứ 2 tuần này. Lịch trình gấp gáp trên cho thấy tòa án phúc thẩm có thể sẽ đưa ra quyết định về sắc lệnh của tổng thống trong vòng vài ngày.
Trong lúc đó, những người tị nạn bị chính phủ kiểm soát có thể sang Mỹ. Bất cứ du khách nào từ 7 nước Hồi giáo nằm trong danh sách cấm nhưng có thị thực hợp pháp cũng có thể nhập cảnh vào đây.
Tuy nhiên, sự hỗn loạn và giận dữ vẫn lan rộng tại các sân bay quốc tế trong ngày chủ nhật. Theo một quan chức chính phủ, vì không biết phải tuân theo mệnh lệnh nào, các hãng hàng không thậm chí đã chặn một số người đáng lẽ được phép nhập cảnh.
Cuộc tranh luận về vấn đề an ninh quốc gia của ông Trump khá giống với những gì mà cựu tổng thống Bush đã trải qua. Vài tháng sau các vụ tấn công ngày 11/9, chính quyền Bush cũng tiến hành kiểm soát người nhập cư trên diện rộng với danh nghĩa chống khủng bố.
Jack Goldsmith, người đứng đầu Văn phòng Luật sư của Bộ Tư pháp dưới thời Bush, cho biết một số phần trong sắc lệnh ban đầu đã đi quá xa và bị buộc phải thu hồi lại. Tuy nhiên, ông nhận định sắc lệnh hành pháp của ông Bush không “cẩu thả” như sắc lệnh của ông Trump.
Trong khi các luật sư và các thượng nghị sĩ của cả hai đảng chỉ trích hành động và ngôn từ không phù hợp của Tổng thống Trump, Phó tổng thống Pence đã đưa ra quan điểm ngược lại. “Tổng thống Mỹ có quyền chỉ trích hai nhánh còn lại của chính thể. Đó là một truyền thống lâu đời ở đất nước chúng ta”, ông Pence phát biểu trên NBC.
“Khi thẩm phán ra quyết định về chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Mỹ, điều đó chỉ gây ra thất vọng đối với tổng thống, với toàn bộ chính quyền của chúng ta cùng hàng triệu người Mỹ trông đợi các thẩm phán bảo vệ luật pháp và công nhận thẩm quyền của tổng thống Mỹ theo Hiến pháp trong việc quản lý những ai đến đất nước này”, ông nói.