Thời gian qua, dư luận xã hội đã thực sự rúng động trước thông tin ngay tại Hà Nội có một bé trai 10 tuổi tên là T.G.K. (SN 2008) đã bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành trong suốt hai năm liền đến mức chấn thương sọ não và gãy xương sườn. Rồi câu chuyện một bé trai khác ở Đông Anh (Hà Nội) cũng bị bạo hành... Câu hỏi đặt ra là tại sao những sự việc đau lòng như vậy vẫn cứ diễn ra một cách tự nhiên, cho đến khi đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì xã hội mới biết?
Cô giáo Trần Thu Hương - Giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ. |
Trao đổi xung quanh vấn đề này, cô giáo Trần Thu Hương - Giảng viên Khoa Tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tỏ ra vô cùng xót xa và không thể tin nổi đây là sự thật.
Cô giáo Thu Hương cho rằng: "Việc bố mẹ cháu K. ly hôn đã kéo dài hơn hai năm. Nhưng trong thời gian đó, khó có thể tin được là mẹ cháu bé không biết con mình bị bạo hành mà có thể biết nhưng gặp phải sự ngăn chặn từ chồng cũ (tức bố đẻ cháu K.) nên không thể tiếp cận được với con. Hơn nữa, việc trách cứ hoàn toàn người mẹ cũng không nên vì xung quanh còn rất nhiều người khác như người thân trong gia đình, ông bà nội ngoại và hàng xóm láng giềng.
Nhất là những người hàng xóm, khi đứa trẻ bị đánh thì nhất định phải có âm thanh phát ra từ tiếng kêu khóc, trừ khi cháu bé bị nhốt ở một khu vực có cách âm mới không nghe rõ tiếng động gì. Tại sao hàng xóm lại không có phản ứng gì? Đặt ngược lại vấn đề một chút về quan niệm 'việc nhà ai nhà nấy xử lý, việc bố mẹ đánh con là chuyện bình thường' ở nhiều nơi.
Căn cứ vào lời khai của cả ông bố và mẹ kế cháu K. cho thấy một sự ngụy biện rất phi lý. Họ cho rằng do con nghịch ngợm nên đánh để dạy bảo, người mẹ kế nói rằng phải đánh cháu K. để bố cháu khỏi đánh vì anh này đã đánh thì sẽ đánh rất đau. Hậu quả là để lại mức độ rất nghiêm trọng đến mức đứa trẻ bị rạn xương sọ, gãy xương sườn như vậy. Tổn thương về mặt thể chất đã đành, hơn thế là sự tổn thương về tinh thần với cháu bé. Những hình ảnh về người bố, mẹ kế và người xung quanh có thể sẽ trở nên méo mó trong tâm trí đứa trẻ.
"Vậy tại sao cháu bé lại bị đánh đau như vậy? Tôi đặt ra giả thiết là sự chia tay của bố mẹ đẻ cháu K. đã diễn ra một cách không êm đẹp. Bởi vậy, bất kể lúc nào đứa trẻ muốn trở về với mẹ đều bị ngăn chặn. Đứa trẻ bị mất kết nối với mẹ đẻ. Bố đẻ cháu K. chính là tác nhân ngắt sự kết nối đó. Nếu cuộc chia tay của họ diễn ra trong êm đẹp thì khó có thể xảy ra câu chuyện đau lòng này.
Pháp luật cũng quy định, khi bố mẹ chia tay thì đứa trẻ đủ 9 tuổi trở lên sẽ được quyền chọn ở với ai. Ở đây, cháu K. chưa đủ 9 tuổi lúc bố mẹ chia tay nên ai có khả năng kinh tế cao hơn thì sẽ được quyền nuôi cháu K. Ở đây là ông bố cháu bé.
Sự mâu thuẫn giữa người bố và mẹ đẻ cháu bé lớn đến mức, ông bố có thể trút toàn bộ khó chịu của mình đối với người vợ cũ lên trên đứa trẻ. Đứa trẻ lúc ấy vô hình trở thành nơi ông bố trút toàn bộ sự giận dữ với người mẹ, vì hình ảnh của đứa trẻ là hình ảnh của người vợ cũ. Cộng thêm người vợ mới của ông bố này là tác nhân gây thêm sự khó chịu của ông bố với mẹ đẻ đứa trẻ. Trong tình trạng này đứa trẻ không thể nào nói sai được", cô Thu Hương nhấn mạnh.
Trong một số bài viết nói rằng, bố đẻ và mẹ kế cháu K. có vấn đề về tâm lý và phải can thiệp, cô Hương cho rằng không hề thỏa đáng.
Cô Thu Hương phân tích: Tất nhiên những ông bố bà mẹ đó có vấn đề về tâm lý và phải can thiệp nhưng không phải can thiệp theo kiểu bệnh lý. Rõ ràng do có mâu thuẫn với người vợ cũ nên người bố này sẽ trút sự giận dữ lên người cháu bé mà thôi.
Hình ảnh thực nghiệm lại hiện trường cháu K. bị bố đẻ dùng roi là cuộn dây thép từ móc áo đánh vào người. Ảnh: Internet. |
Vậy lời giải quyết câu chuyện cụ thể này là như thế nào, cô Hương nêu giải pháp: Cần sự can thiệp về mặt tâm lý, tham vấn nhóm với các đối tượng đó xem họ có vấn đề gì. Giải quyết mâu thuẫn ở từng cặp như bố - mẹ đẻ, đứa trẻ - mẹ kế, đứa trẻ - bố đẻ. Chỉ có liệu pháp can thiệp tâm lý mới có thể giải quyết được mâu thuẫn giữa các cặp quan hệ đó.
Ngoài ra, cô Thu Hương cũng đề cập tới câu chuyện về ý thức pháp luật. Trong chuyện này, ông bố đánh cháu bé đã không hề nghĩ rằng mình đã vi phạm pháp luật. Theo Luật Trẻ em có hiệu lực từ tháng 7/2017, việc cả bố đẻ và mẹ kế đánh đứa trẻ đến mức độ như vậy rõ ràng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí có thể bị phạt tù. Vì thế, nếu có vấn đề mâu thuẫn cần giải quyết thì có thể gặp luật sư hoặc nhà tâm lý để được hỗ trợ tư vấn.
Hiện tại, ngành tâm lý học mới chỉ có mã ngành đào tạo mà chưa có mã nghề, tức chưa có tên trong hệ thống bảng lương. Vậy nên các sinh viên tốt nghiệp khoa Tâm lý mà đi tìm các công việc với tư cách là một nhà tâm lý thì không có. Các em sẽ vào một số nơi nhưng với các chức danh chuyên viên, kỹ thuật viên ở trong các tổ chức như Trung tâm can thiệp, Viện hay trường đào tạo, trung tâm bảo trợ với nhân viên công tác xã hội. Muốn can thiệp tâm lý phải có chứng chỉ hành nghề giống như ngành y.
Là một chuyên gia tâm lý học, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng chỉ rõ một số nguyên nhân của tình trạng bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em trên. Ông nhấn mạnh tới vai trò của việc giáo dục pháp luật cho người dân hiểu và chấp hành một cách nghiêm túc. Ở nước ngoài, hàng xóm chỉ cần nghe tiếng trẻ con khóc thét do bị bố mẹ đánh đập, họ đã báo cảnh sát đã can thiệp rồi. Thậm chí tước quyền làm bố mẹ của những ông bố bà mẹ đó ngay và đưa đứa trẻ đó vào trại nuôi dưỡng nào đó. Khi nào bố mẹ đó đón đứa trẻ về được thì họ mới chấp nhận. Còn ở nước ta thì không như vậy. Trường hợp cháu K. thì hoàn toàn có thể tước ngay lập tức quyền nuôi đứa trẻ của người bố để trao cho người mẹ đẻ cháu bé. Phập luật phải nêu cao tính răn đe để xử lý trách nhiệm của những người có liên quan, kể cả hàng xóm biết mà không dám tố cáo tới cơ quan chức năng. |
Lắp camera có phải là 'cây đũa thần' để trẻ không bị bạo hành tại lớp?
Theo một số chuyên gia, việc lắp đặt camera giám sát ở lớp mới chỉ là điều kiện cần thôi chứ chưa phải là "cây ... |