Tướng công an lý giải việc CSGT bị đánh, dân đứng nhìn

"Vấn đề đặt ra là ở đâu đó vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, còn những cá nhân thiếu trách nhiệm với người dân nên chưa nhận được sự đồng tình", tướng Dánh nói.

Chiều 12/1, Phòng CSGT (PC67, Công an Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai công tác năm 2017.

Chấn chỉnh tác phong, lễ tiết

Phát biểu tại hội nghị, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục CSGT (C67, Bộ Công an) biểu dương những thành tích mà PC67 Hà Nội đạt được trong năm qua. Về công tác năm 2017, Phó cục trưởng C67 đề nghị CSGT Hà Nội thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm; nổi bật là việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh quy trình công tác, lễ tiết, tác phong, xây dựng hình ảnh CSGT thân thiện và nhân văn trong lòng nhân dân.

Theo tướng Dánh, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CSGT thủ đô, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, giảm tình trạng người vi phạm chống đối,…

Theo thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, CSGT Hà Nội cần tăng cường chấn chỉnh lễ tiết, tác phong. Ảnh: Vietnamnet.

Nói trước hội trường, Phó cục trưởng C67 dẫn lại chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn tại hội nghị CSGT năm 2017 vừa được tổ chức vừa qua.

Theo đó, một câu hỏi được đặt ra là tại sao lực lượng CSGT rất vất vả để phục vụ nhân dân, nhưng khi có chuyện xảy ra thì nhân dân lại thờ ơ. Một CSGT bắt kẻ vi phạm ngay giữa ngã tư đường phố, tại đó có rất nhiều người dân, nhưng khi nghi phạm quay lại đánh CSGT thì không ai đứng ra can thiệp mà chỉ quay camera để tung lên mạng.

“Vấn đề đặt ra là ở đâu đó vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, vẫn còn những cá nhân thiếu trách nhiệm với nhân dân nên chưa nhận được sự đồng tình. Do đó, cần phải chỉ ra để có biện pháp khắc phục”, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh nói.

Vị lãnh đạo C67 cũng cho rằng lực lượng CSGT phải luôn xây dựng hình ảnh của mình bởi đây là lực lượng “mặt tiền của mặt tiền”. Mặc dù việc xử phạt sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của người dân, nhưng CSGT phải có tác phong, tư thế, lời nói thể hiện mình là người đang thực thi công vụ, để người dân dù bị thiệt hại về kinh tế nhưng vẫn đồng thuận.

Cần nhìn TNGT dưới khía cạnh mới

Nhận định về tình hình giao thông tại địa bàn Hà Nội, Phó cục trưởng C67 cho rằng có hai vấn đề khiến nhân dân còn bức xúc, đó là tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông.

Trong đó, tình hình TNGT còn nhiều vấn đề, ví dụ như địa bàn huyện Thường Tín (một trong những nơi có số người chết vì TNGT lớn nhất Hà Nội) với vấn đề tai nạn đường sắt đang rất nghiêm trọng.

“Tai nạn đường sắt không phải là mới, do đó phải tìm ra được biện pháp hóa giải. Về nguyên tắc tổ chức giao thông, nếu một địa điểm mà xảy ra 2 lần tai nạn trong một năm thì dứt khoát phải xem lại tổ chức giao thông, đằng này năm nào cũng đều có”, tướng Dánh nói.

Nói thêm về TNGT, thiếu tướng Dánh cho biết trước đây chúng ta mới chỉ nhìn từ khía cạnh chủ quan do người tham gia giao thông, chưa quan tâm đến các cơ quan quản lý đường, đơn vị liên quan. Điển hình là một số khu vực xây dựng vừa thi công vừa tổ chức giao thông nhưng lại không đảm bảo an toàn.

“Nhiều sự cố sập cần cẩu đã xảy ra, đó là lỗi của đơn vị thi công, cần phải lập biên bản và kiến nghị xử lý, thậm chí là đình chỉ”, Phó cục trưởng C67 cho hay.

Trong thời gian tới, CSGT Hà Nội cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát theo chuyên đề (các lỗi là nguyên nhân chính dẫn tới TNGT) với đầy đủ công cụ phục vụ. Đồng thời, lực lượng CSGT phải có quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để vừa có thể xử lý vi phạm trật tự ATGT, vừa đấu tranh với tội phạm ma túy, buôn lậu.

chọn
Kết luận Thanh tra Chính phủ về các dự án của Trung Thủy, Novaland
Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra các sai phạm tại loạt nhà đất ở TP HCM, Hà Nội, Huế và Nghệ An, trong đó có dự án liên quan đến các chủ đầu tư như Trung Thủy, Novaland...