Sáng 3/1, Ủy ban ATGT quốc gia và UBND Hà Nội đã tổ chức lễ ra quân Năm an toàn giao thông năm 2018.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình khẳng định năm 2017, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực.
Từ năm 2012 đến hết năm 2017, tai nạn giao thông đã được kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Riêng năm 2017, số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 8.500 người.
"Năm 2018, nhu cầu giao thông, số lượng phương tiện sẽ tiếp tục gia tăng. Ủy ban ATGT quốc gia phấn đấu giảm từ 5 đến 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương. Ngoài ra, sẽ khắc phục ùn tắc tại Hà Nội và TP.HCM và các trục đường chính”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ùn tắc giao thông ở các đô thị ngày càng khó kiểm soát. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT, ùn tắc tại các đô thị lớn đang diễn ra thường xuyên và khó kiểm soát. Vấn nạn này có xu hướng mở rộng về không gian và kéo dài về thời gian. Đặc biệt trong những ngày thời tiết xấu.
Cơ quan này thừa nhận chưa có giải pháp hiệu quả khắc phục ùn tắc cục bộ do tai nạn giao thông, phương tiện hư hỏng, công trình xây dựng chiếm lòng đường.
Năm 2017, toàn quốc đã xảy ra 87 vụ ùn tắc lớn, kéo dài. Trong khi đó, ùn ứ cục bộ xảy ra nhiều ở Hà Nội và TP.HCM.
Trong số các vụ ùn tắc kéo dài thì nguyên nhân tai nạn giao thông chiếm 56 vụ; lưu lượng phương tiện tăng cao 4 vụ; cháy nổ, mưa lớn, sạt lở… 27 vụ.
Thủ tướng đã chủ trì 2 buổi làm việc chuyên đề với lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM nhằm đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Đối với Hà Nội, thành phố đã phê duyệt đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân, quản lý xe đạp điện, xử lý xe máy không đảm bảo an toàn, cấm taxi theo giờ....
Theo thống kê số điểm ùn tắc đã giảm hàng năm tại Hà Nội. Từ 44 điểm (năm 2015) xuống 41 điểm (năm 2016) và cuối năm 2017 chỉ còn 35 “điểm đen” ùn tắc.
Điểm đen ùn tắc tại Hà Nội. Đồ họa: Văn Chương. |
Tại TP.HCM, các quận, huyện đã chỉ đạo, ra quân dọn dẹp vỉa hè, tăng cường phương tiện công cộng. Hiện, TP.HCM còn 37 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông.
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, tình trạng ùn ứ diễn ra phức tạp, thường xuyên vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường, chủ yếu là khu vực trung tâm thành phố, các tuyến cửa ngõ, tuyến đường xuyên tâm, đường ra vào cảng.
“Trong năm 2018, các thành phố lớn sẽ tập trung xử lý, giảm thiểu các điểm đen giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, đại diện Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định.